Quá trình hình thành nhận thức về con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh (Kỳ 2)

3. Chủ nghĩa Lênin và đường lối Quốc tế Cộng sản

Những năm tháng sống ở Pari, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động trong phong trào công nhân và Đảng Xã hội Pháp. Tuy nhiên, như sau này Người nói: “Tôi biết rất ít về các vấn đề chính trị, nhưng tôi muốn Tổ quốc tôi được giải phóng… Vì vậy, tôi tham gia Đảng Xã hội. Tôi biết rất ít về Cách mạng Tháng Mười và về Lênin; về cảm tính tôi thấy mình có mối tình đoàn kết với cuộc Cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy” [2]. Ở Pari, anh được biết tin cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra, nhưng do bọn đế quốc bưng bít tin tức, cho nên cũng như nhiều người bạn Pháp, anh chưa biết rõ và càng chưa hiểu được ý nghĩa thời đại của cuộc cách mạng ấy. Tình trạng đó được Lênin chỉ rõ: "Ở nước ngoài, người ta biết rất ít, ít đến kinh khủng, ít đến nực cười về cuộc cách mạng của chúng ta. Ở đấy, chế độ kiểm duyệt quân sự không để một tý gì lọt qua cả"[3]. Nhưng với sự nhạy bén chính trị và nhiệt tình giai cấp, Nguyễn Ái Quốc biết đó là cuộc cách mạng tiến bộ, cuộc cách mạng của số đông những người lao động và anh có ý định đi Nga, mặc dù lúc đó chưa hiểu hết ý nghĩa cực kỳ to lớn của cuộc cách mạng ấy. Anh ủng hộ Cách mạng Tháng Mười bằng việc tham gia cuộc vận động nhân dân Pháp quyên góp giúp đỡ nhân dân Nga vượt qua nạn đói, phân phát lời hiệu triệu của Đảng Xã hội Pháp kêu gọi nhân dân Pháp chống lại cuộc can thiệp vũ trang của các nước đế quốc vào nước Nga Xô viết. Thông qua những hoạt động thực tiễn ấy mà nhận thức "cảm tính" của anh về Cách mạng Tháng Mười, về nước Nga Xô viết và về Lênin ngày càng được củng cố và nâng cao.

Tham gia vào những hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy vũ khí sắc bén để đấu tranh, đó là viết bài đăng báo. Những bài báo đầu tiên của anh đăng trên báo L'Humanité và báo Le Populaire, đều tập trung vào việc lên án chủ nghĩa thực dân, thực trạng bị áp bức, bóc lột ở các nước thuộc địa, phụ thuộc.

Vào lúc Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Pháp, tháng 3/1919, Quốc tế thứ ba - Quốc tế Cộng sản do Lênin tổ chức, tuyên bố thành lập. Từ sau sự kiện đó, trong Đảng Xã hội Pháp diễn ra cuộc đấu tranh ngày càng gay gắt giữa những người cách mạng ủng hộ đường lối của Quốc tế thứ ba và những kẻ bảo vệ Quốc tế thứ hai đang bị bọn cơ hội lũng đoạn. Ban lãnh đạo của Đảng Xã hội Pháp chủ yếu nằm trong tay bọn cơ hội, chi phối tư tưởng và thái độ chính trị của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các đảng viên Đảng Xã hội, làm hạn chế ảnh hưởng của Quốc tế thứ ba đối với phong trào cách mạng Pháp. Tuy nhiên, xu hướng cộng sản chủ nghĩa, ủng hộ đường lối của Quốc tế thứ ba vẫn hình thành và phát triển. Tháng 4/1919, Đại hội bất thường của Đảng Xã hội Pháp họp ở Pari, những người ủng hộ Quốc tế thứ ba đề nghị Đại hội thảo luận và quyết định Đảng chính thức tham gia Quốc tế thứ ba. Nhưng đề nghị không được chấp nhận do sự phản ứng quyết liệt của bọn cơ hội trong Đảng. Đến tháng 2/1920, Đại hội lần thứ XVII Đảng Xã hội Pháp họp ở Xtrátxbua, khi bỏ phiếu quyết định rút ra khỏi Quốc tế thứ hai, có đa số phiếu thuận, thiểu số phiếu chống. Khi bỏ phiếu tham gia Quốc tế thứ ba thì thiểu số phiếu thuận, đa số phiếu chống. Tình hình đó phản ánh sự đấu tranh gay gắt trong Đảng giữa lập trường của Quốc tế thứ ba và Quốc tế thứ hai, đồng thời lôi cuốn sự chú ý theo dõi của đông đảo nhân dân Pháp.

Diễn biến của các cuộc đấu tranh trên đây tác động đến suy nghĩ của Nguyễn Ái Quốc. Tuy chưa hiểu hết thực chất các sự kiện trước các sự biến chính trị, anh cũng tham gia vào cuộc đấu tranh theo quan điểm và nhận thức của anh. Hầu hết trong các buổi mít tinh, thảo luận, anh đều phát biểu và khéo lái những vấn đề đang thảo luận sang vấn đề đoàn kết với các dân tộc thuộc địa. Vì như anh nói: "Trong các cuộc bàn cãi, người ta rất ít nói đến sự đoàn kết với các dân tộc thuộc địa. Nhưng đó lại là vấn đề mà tôi quan tâm hơn hết". Mặc dù "nhức đầu vì khó hiểu", nhưng trong các buổi sinh hoạt Đảng Xã hội, anh vẫn nêu câu hỏi: "Ai khẳng định rõ ràng là mình đoàn kết với các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức? thì người ta trả lời: Quốc tế thứ ba"[4]. Rõ ràng, điều mà anh quan tâm là "con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa”.

Sau khi được biết Quốc tế thứ ba ủng hộ và giúp đỡ với các dân tộc thuộc địa trong công cuộc giải phóng và nhất là được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L'Humanité ngày 16 và ngày 17/7/1920, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc nhận biết một tổ chức quốc tế ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức và tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn. Bởi vì, Luận cương của Lênin đã giải quyết trọn vẹn một vấn đề rất cơ bản mà Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm là vấn đề bằng con đường nào giải phóng cho các dân tộc thuộc địa. Luận cương tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức tư tưởng về con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định mà như sau này Người nói: "Bản Luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi xúc động đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"[5]. Luận cương tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức tư tưởng, giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác, con đường cách mạng vô sản”; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm chú ý của Nguyễn Ái Quốc là Đại hội lần thứ II Quốc tế Cộng sản. Theo dõi các văn kiện của Đại hội, anh tâm đắc với "21 điều kiện kết nạp vào Quốc tế Cộng sản", đặc biệt là điều thứ 8, rằng: "Vấn đề thuộc địa và dân tộc bị áp bức, thì các đảng trong các nước mà giai cấp tư sản có thuộc địa và áp bức các dân tộc khác phải có một đường lối đặc biệt rõ ràng, minh bạch. Đảng nào muốn gia nhập Quốc tế ba đều buộc phải thẳng tay vạch mặt những thủ đoạn xảo trá của bọn đế quốc nước mình trong các thuộc địa, ủng hộ trên thực tế, chứ không phải bằng lời nói mọi phong trào giải phóng ở thuộc địa". Điều đó củng cố thêm niềm tin của Nguyễn Ái Quốc vào Lênin, vào Quốc tế Cộng sản và biểu thị thái độ chính trị và quan hệ xã hội đúng đắn trong cuộc đấu tranh cách mạng hóa Đảng Xã hội Pháp.

Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc đại diện của Đông Dương thuộc địa, đồng thời là đại biểu duy nhất phát biểu về vấn đề thuộc địa. Phát biểu tại Đại hội, với những lời xúc động sâu sắc, sau khi lên án chế độ thống trị tàn bạo của thực dân Pháp ở Đông Dương, anh yêu cầu Đảng phải đoàn kết, ủng hộ cách mạng thuộc địa: "Tôi đến đây để cùng với các đồng chí góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới... Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa"[6]. Lời phát biểu ngắn gọn của anh đã quán triệt tư tưởng chiến lược của Lênin về quan hệ giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Khi Đại hội biểu quyết, anh bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia quá trình thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Quyết định sáng suốt đó của Nguyễn Ái Quốc phù hợp với trào lưu phát triển của lịch sử nhân loại, là sự kiện có ý nghĩa to lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới hiện đại, một đại biểu của dân tộc Việt Nam tham gia sáng lập đội tiên phong của giai cấp công nhân ở một nước đế quốc lớn đang áp bức dân tộc mình. Bằng việc làm đó, Nguyễn Ái Quốc nêu cao ngọn cờ đoàn kết, nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc.

Được Luận cương của Lênin và đường lối của Quốc tế Cộng sản soi sáng, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động trong phong trào công nhân và Đảng Cộng sản Pháp, sau đó công tác tại Quốc tế Cộng sản trên đất nước Liên Xô. Ở Người, về cơ bản hình thành hệ thống luận điểm có tính lý luận của cách mạng giải phóng dân tộc: Về cách mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường cách mạng vô sản; về chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc; về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc; về khả năng thắng lợi trước của cách mạng giải phóng dân tộc; về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong cách mạng; về chủ nghĩa xã hội,v.v..

Chủ nghĩa Lênin và đường lối Quốc tế Cộng sản là nhân tố quan trọng nhất, nhân tố quyết định hình thành nhận thức về con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh.

Con đường này càng được Hồ Chí Minh cụ thể và hoàn thiện hơn ở những giai đoạn sau khi Người không chỉ hoạt động với tư cách là nhà yêu nước Việt Nam mà là người cộng sản sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

----------------------------------
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t.12, tr, 470.
[3] V.I. Lênin: Toàn tập , Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, t.36, tr. 636.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập , Sdd , t.12, tr. 471.
[5] Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr.98.
[6] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.1, tr. 22 – 23.
Quá trình hình thành nhận thức về con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh (Kỳ 1)

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011), Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bài viết "Quá trình hình thành nhận thức về con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh" của TS. Nguyễn Duy Hùng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN