Quá trình hình thành nhận thức về con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh (Kỳ 1)

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011), Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bài viết "Quá trình hình thành nhận thức về con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh" của TS. Nguyễn Duy Hùng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, một nhà yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tư tưởng của Người là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, bao hàm nhiều lĩnh vực và rất phong phú, trong đó có nội dung quan trọng là con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Dưới đây xin trình bày tóm tắt quá trình hình thành nhận thức về con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh.

1. Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã chuyển từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa tư bản độc quyền - chủ nghĩa đế quốc. Các nước đế quốc mở rộng xâm chiếm thuộc địa, đặt ách thống trị thực dân dưới nhiều hình thức ở hầu khắp các nước Á, Phi và Mỹ Latinh. Cùng với mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản, giữa các nước đế quốc với nhau, mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc, thực dân đã xuất hiện và phát triển, trở thành mâu thuẫn hết sức sâu sắc của thời đại.

Trong khi các nước tư bản phương Tây nhanh chóng phát triển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa thì các nước phương Đông vẫn là những quốc gia phong kiến chuyên chế, bảo thủ. Trừ Nhật Bản, sau Minh Trị duy tân, đã phát triển theo con đường tư bản chủ chủ nghĩa, còn các nước khác ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đều lần lượt bị các nước đế quốc Anh, Pháp, Bồ Đào nha, Tây Ban Nha xâm lược, trở thành những nước thuộc địa và phụ thuộc. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước phương Đông theo hệ tư tưởng phong kiến, tư sản, tiểu tư sản đều lần lượt bị thất bại, chìm đắm dưới ách nộ lệ của chủ nghĩa thực dân, chưa tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và thành lập Quốc tế Cộng sản năm 1919 đánh dấu bước phát triển mới về chất của phong trào cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi quốc tế.

Việt Nam là một quốc gia hình thành sớm, có nền văn hiến lâu đời, có truyền thống chống ngoại xâm. Vào giữa thế kỷ XIX, đế quốc Pháp nổ súng xâm chiếm nước ta, biến nước ta, từ một nước phong kiến độc lập, thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Trước hành động xâm lược của kẻ thù, triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã dâng nước ta cho Pháp. Mặc dù vậy, các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta liên tiếp nổ ra, từ các cuộc khởi nghĩa Bình Tây ở lục tỉnh Nam Kỳ, từ các phong trào Cần Vương, Văn Thân của các sĩ phu, Đông Du của Phan Bội Châu, Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can, Cải cách dân chủ của Phan Châu Trinh cho đến cuộc nổi dậy của Hoàng Hoa Thám và các cuộc khởi nghĩa sau đó đều bị đàn áp đẫm máu và lần lượt bị thất bại. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta cho đến đầu thế kỷ XX đi vào con đường bế tắc, ở trong "tình hình đen tối như không có đường ra". Giải phóng dân tộc là yêu cầu căn bản của xã hội Việt Nam. Bối cảnh đó thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Thời niên thiếu, Nguyễn Tất Thành đã tiếp thu được truyền thống yêu nước và lòng nhân ái từ gia đình, quê hương, đất nước, được chứng kiến cuộc sống khổ cực của người dân, sự áp bức, bóc lột dã man của bọn thực dân, phong kiến. Tuổi ấu thơ, anh sống ở quê hương Nam Đàn, Nghệ An, nơi có truyền thống yêu nước và cách mạng. Tại quê hương, anh được học chữ Hán, được hấp thụ tinh thần yêu nước của các phong trào chống Pháp, tinh thần nhân nghĩa, khí phách, thủy chung của các nhà Nho yêu nước. Năm 1906, anh theo cha vào Huế lần thứ hai, vào học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, năm sau vào học Trường Quốc học Huế. Tại Huế, anh có điều kiện bổ sung vốn kiến thức Nho học, tiếp thu văn hóa phương Tây, gợi cho anh suy nghĩ về một hướng đi mới, khác với lớp cha anh. Năm 1908, ở Huế bùng nổ phong trào kháng thuế rầm rộ, anh đã tham gia và chứng kiến thực dân Pháp đàn áp dã man phong trào. Thất bại của phong trào chống thuế ở Huế cùng các phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX làm cho anh nhận rõ hơn bản chất dã man của bọn thực dân và cũng làm cho anh sớm nuôi chí đuổi thực dân và sớm quyết định cho mình hướng đi mới. Quyết định này, về sau Người có nói: "Nhân dân Việt Nam, trong đó có cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác lại nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ"[1].
Trước lúc ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Tất Thành đã tiếp thu sâu sắc truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương, đất nước, am hiểu vốn văn hóa phương Đông, một phần văn hóa phương Tây. Đó là vốn quý, là cơ sở quan trọng để tiếp thu chân lý cách mạng, là nhân tố đầu tiên của quá trình hình thành nhận thức về con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh.

2. Khảo sát khắp các châu lục

Trong lúc đất nước đang khủng hoảng về đường lối cứu nước, năm 1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba từ bến Nhà Rồng trên tàu Latútsơ Tơrêvin ra đi tìm đường cứu nước. Động cơ thúc đẩy anh ra đi là tìm một con đường mới cho công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam.
Khi xuống tàu vượt trùng dương, Nguyễn Tất Thành có điều kiện ghé qua khắp các châu lục, được tiếp xúc ngay với công nhân, những người lao động ở những nơi anh đã đi qua. Đến đâu anh cũng thấy hai cảnh trái ngược nhau, một bên là cuộc sống khổ cực của người dân, một bên là cuộc sống xa hoa của bọn thống trị thực dân. Bước đầu, anh đã hiểu được đời sống giai cấp công nhân, nhân dân lao động, đồng thời xác định chỗ đứng của anh trong giai cấp thợ thuyền.

Đặc biệt, trong cuộc khảo sát này, Nguyễn Tất Thành dừng chân lâu ở ba nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh, Pháp, có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu cuộc Cách mạng Mỹ năm 1776, cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước chống chủ nghĩa thực dân. Từ đó, anh rút ra những nhận xét chính xác, như sau đó không lâu, anh viết trong tác phẩm Đường cách mệnh, rằng Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp tuy nêu cao khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, nhưng không đưa lại tự do, bình đẳng, bác ái thật sự, tiếng là cộng hòa, dân chủ, nhưng thực chất là tước đoạt quyền lợi của công nông trong nước và bên ngoài thì áp bức các dân tộc thuộc địa. Tuy anh khâm phục ý chí giành độc lập, tự do của nhân dân Mỹ, tinh thần đấu tranh của nhân dân Pháp, nhưng anh cho rằng, đó “đều là cách mạng tư sản, cách mệnh không đến nơi”. Như vậy, anh cho rằng, việc giải phóng các dân tộc bị áp bức không thể đi theo con đường của Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp, mà phải đi theo con đường cách mạng khác. Nhận xét đó xuất phát từ lập trường giai cấp vô sản.

Từ thực tiễn khảo sát khắp các châu lục trong thập niên thứ hai của thế kỷ XX, Nguyễn Tất Thành đã đặt mình vào chỗ đứng của giai cấp cần lao chiếm số đông ở khắp các châu lục đối lập với số ít bọn người bóc lột tập trung ở các chính quốc. Từ đó, anh rút ra những kết luận quan trọng: Ở đâu bọn đế quốc cũng dã man, tàn bạo, ở đâu giai cấp công nhân, những người lao động cũng bị áp bức, bóc lột nặng nề, để sau đó không lâu, trong bài Đoàn kết giai cấp (1924), anh viết: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản". Cũng từ thực tiễn đó đã bồi đắp quan điểm nhân văn, ý thức được sự cần thiết về đoàn kết những người bị áp bức trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đến đây, anh đã xác định rõ ràng, rằng sự áp bức giai cấp, áp bức dân tộc có chung một nguồn gốc là chủ nghĩa đế quốc, các dân tộc phải đoàn kết mới có thể giành được thắng lợi.

Nguyễn Tất Thành là người muốn hoạt động cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức. Dịp tốt đã đến, tháng 1/1919, Hội nghị "Hòa bình" họp ở Vécxay, Nguyễn Tất Thành theo dõi diễn biến của Hội nghị. Tháng 6/1919, anh quyết định thay mặt "Hội những người Việt Nam yêu nước" ở Pháp gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm tám điểm đến Hội nghị đòi tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam và ký tên Nguyễn Ái Quốc. "Bản yêu sách" được đăng trên báo L'Humanité và một số báo khác. Lần đầu tiên vấn đề tự do, dân chủ của nhân dân Việt Nam được đặt ra với một hội nghị quốc tế. Nhưng Hội nghị Vécxay là nơi bọn đế quốc chia nhau khu vực ảnh hưởng và quyền lợi quốc tế sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. "Bản yêu sách" cùng các kiến nghị không được đề cập đến. Được thực tế ấy rèn luyện, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: Những lời tuyên bố của bọn đế quốc về quyền tự quyết cho các dân tộc chỉ là trò bịp lớn. Việc làm trên chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc thực sự bước vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, bảo vệ quyền lợi của dân tộc.

Cuộc hành trình trong gần mười năm khắp các châu lục đã để lại cho người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc biết bao suy tư, trăn trở, cũng giúp anh quan sát, tìm hiểu, rút ra những kết luận cần thiết cho công cuộc giải phóng dân tộc, đồng thời bổ sung cho anh những hiểu biết phong phú với tầm nhìn rộng lớn về dân tộc thuộc địa, về chủ nghĩa thực dân, đế quốc, như anh đã kết luận: “Tất cả bọn đế quốc, thực dân đều tàn bạo”. Đây là những nhận thức có tính chất nền tảng trong việc xác định đối tượng của cách mạng giải phóng dân tộc, để sau đó không lâu anh viết bản luận tội đanh thép Bản án chế độ thực dân Pháp.

Gia nhập đội quân vô sản quốc tế, hòa mình trong cuộc sống của các dân tộc bị áp bức, của giai cấp công nhân ở các nước, làm đủ các nghề để sống, để đi, đã cho anh gần gũi, yêu thương, đồng cảm với những dân tộc cùng cảnh ngộ với dân tộc Việt Nam. Anh đau khổ thấy họ bị bọn đế quốc, thực dân đối xử như những "con vật châu Á" hay những "con vật da màu". Ở anh, nảy sinh một tình cảm mới đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, đoàn kết với giai cấp vô sản thuộc mọi màu da. Trên thực tế, anh đã gặp bạn đồng minh, hiểu biết sâu sắc đời sống, tình cảm, năng lực và phẩm chất của họ. Đó chính là bước tích lũy trong nhận thức của anh về lập trường giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Cuộc hành trình gần mười năm khắp các châu lục là cơ sở thực tiễn quan trọng trong quá trình hình thành nhận thức về con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh.

(Còn tiếp)

--------------------
[1] A.Lui Stơrông: Ba lần nói chuyện với Hồ Chí Minh, báo Nhân dân, ngày 19-5-1965.

Quá trình hình thành nhận thức về con đường giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh (Kỳ 2)

Những năm tháng sống ở Pari, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động trong phong trào công nhân và Đảng Xã hội Pháp. Tuy nhiên, như sau này Người nói: “Tôi biết rất ít về các vấn đề chính trị, nhưng tôi muốn Tổ quốc tôi được giải phóng…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN