Phú Yên: Chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Ngày 19/7, Kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Phú Yên khóa VIII bước sang ngày làm việc thứ 2. Các đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhiều vấn đề cử tri quan tâm: Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên xuống cấp, chậm được đầu tư; thiếu giáo viên bậc Mầm non, Tiểu học; các dự án lớn đang triển khai tại tỉnh gặp khó trong giải phóng mặt bằng.

Chú thích ảnh
Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên phát biểu kết luận tại phiên chất vấn. 

Chất vấn Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Phú Yên Đào Mỹ về việc chậm tiến độ thực hiện Dự án Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên, đại biểu Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng: Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên đang xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị chưa đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh; nhiều bệnh nhân, sản phụ trong tỉnh phải tìm đến các cơ sở y tế ngoài tỉnh để điều trị, hộ sản. Dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên đã được HĐND tỉnh thông qua trong năm 2019, nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công. Đại biểu Đặng Thị Hồng Nga nêu câu hỏi về đơn vị chịu trách nhiệm việc chậm trễ đầu tư bệnh viện trên.

Tương tự, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên chất vấn, bất cập lớn nhất tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên là không có thang máy, phòng mổ sản phụ ở tầng trên, trong khi phòng chờ sinh ở tầng dưới, muốn đưa sản phụ lên phòng mổ, các ông bố phải chuẩn bị cáng để khiêng sản phụ lên tầng trên. Việc vận chuyển sản phụ bằng cáng rất nguy hiểm đã tồn tại hàng chục năm qua vẫn chưa được khắc phục, vấn đề này cần phải khắc phục như thế nào?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ cho biết, dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 191/NQ-HĐND ngày 6/12/2019 và thông qua chủ trương điều chỉnh tại Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 18/11/2021. Đây là công trình quan trọng thuộc lĩnh vực y tế, khó và phức tạp hơn so với các công trình khác, cần có thời gian nghiên cứu về công năng sử dụng, việc đáp ứng quy mô, cơ cấu giường bệnh theo chủ trương, đồng thời việc lựa chọn công nghệ về thiết bị, nhằm lựa chọn phương án thiết kế tối ưu, đáp ứng theo nhu cầu thực tế trước khi tổ chức lập dự án. Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên dự kiến đầu tư mới có diện tích 22 ha, quy mô 400 giường, dự kiến khởi công trong quý I/2023, thời gian thi công hoàn thành bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng trong tháng 3/2025. Bệnh viện là công trình quan trọng được tỉnh ưu tiên hàng đầu sớm xây dựng, nhằm chăm sóc tốt nhất sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Để khắc phục những tồn tại, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị ngành Y tế tỉnh cần rà soát, khắc phục tình trạng xuống cấp tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên; thực hiện đầu tư hệ thống thang máy tại bệnh viện, rà soát đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, không chờ đến khi đầu tư bệnh viện mới thực hiện mua sắm trang, thiết bị.

Trả lời phần chất vấn của đại biểu Phan Thị Hà Phước, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phú Yên về tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học phổ thông, nhất là thiếu số lượng giáo viên ở bậc học Mầm non, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ cho biết, theo lộ trình đến năm 2025, Phú Yên phải giảm 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên so với năm 2021. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên, số lượng người làm việc bố trí cho ngành Giáo dục và Đào tạo còn thiếu so với số trường lớp, số học sinh theo quy định.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên phát biểu tại Hội trường. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên, hiện toàn tỉnh đang thiếu hơn 1.500 giáo viên, phần lớn là bậc Mầm non. UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Nội vụ chưa xem xét thực hiện giảm 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, đồng thời cấp bổ sung biên chế còn thiếu cho tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các địa phương sớm tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo viên để bổ sung nguồn nhân lực kịp thời cho các cơ sở giáo dục thuộc các huyện, thị xã quản lý trong năm học 2022-2023; chỉ đạo cơ quan chuyên môn sớm trình phê duyệt Đề án khung vị trí việc làm, số lượng người làm việc giáo viên dạy các lớp nhà trẻ, mẫu giáo 3, 4 tuổi theo Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cho các trường mầm non trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện chủ trương tuyển dụng hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế để đáp ứng nhu cầu dạy và học tại các đơn vị trường học.

Dự kiến Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII sẽ biểu quyết thông qua 27 Nghị quyết và bế mạc vào sáng 20/7.

Tin, ảnh: Phạm Cường (TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam

Sáng 18/7, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X khai mạc Kỳ họp thứ 9 nhằm kịp thời xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm; xem xét thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 và một số nội dung khác theo luật định. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu tại kỳ họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN