Phát biểu khai mạc kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường nêu rõ: Sáu tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều khó khăn, song tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã phục hồi và đang trên đà phát triển. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng tăng trưởng khá; thu ngân sách vượt dự toán. Dự kiến thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam trong năm 2022 đạt 30.000 tỷ đồng. Công tác khắc phục, hỗ trợ người dân khôi phục và phát triển sản xuất tại các khu vực bị thiệt hại do mưa lũ gây ra đầu năm 2022 được kịp thời. Công tác chăm lo các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, an sinh xã hội diễn ra thường xuyên. Hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X tập trung xem xét, thảo luận để quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng theo các nhóm vấn đề sau: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm trên tất cả các mặt công tác; xem xét thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 và một số nội dung khác theo luật định. Quy định thưởng vượt thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương. Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện các Chương trình: Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm khá cả nước; thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp đi vào thực chất. Tỉnh đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 53% so với cùng kỳ; chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, chương trình nông thôn mới, giảm nghèo tiếp tục đạt kết quả nhất định; văn hóa, giáo dục, công tác an sinh xã hội, y tế, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quan tâm. Công tác nội chính, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đối ngoại được tăng cường. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Nam triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Tán thành với những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tỉnh Quảng Nam tập trung quan tâm thực hiện tốt một số nội dung. Theo đó, tỉnh kiểm soát tốt dịch COVID-19 để tạo tiền đề cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, bảo đảm sát với thực tiễn, dễ thực hiện, dễ kiểm tra giám sát, thực hiện tốt, vượt mức các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2022.
Quảng Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các công trình trọng điểm; khẳng định và phát huy vai trò trụ cột của khu vực công nghiệp – xây dựng trong tăng trưởng kinh tế. Tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình mở cửa, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Nam; tiếp tục phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức, dịch vụ tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu.
Tỉnh Quảng Nam triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương hoàn thành các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, các công trình trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; tập trung nguồn lực để khắc phục dứt điểm hậu quả thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, đô thị, tài nguyên, môi trường, khoáng sản; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành thu, chi ngân sách.