Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Chiều 25/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2018. Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ rõ, năm 2018, đất nước tiếp tục tập trung xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo dựng thể chế, chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi.
Công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính phải gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ”. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 6/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự.
Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ Tư pháp cần chỉ đạo cơ quan thi hành án thay đổi tư duy, nhận thức và hành động để tinh gọn thủ tục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội. Năm 2018, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành, nâng cao chỉ tiêu về việc, tiền, đặc biệt là thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách Nhà nước trong những vụ án tham nhũng, kinh tế và thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng. Bộ Tư pháp cần chỉ đạo cơ quan thi hành án các địa phương tập trung xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án; đối với các tài sản bán đấu giá nhiều lần, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế để các ngân hàng nhận tài sản.
Các cơ quan thi hành án cần tiếp tục tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và cảnh báo, phòng ngừa những vi phạm, sai sót trong toàn hệ thống. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần tập trung tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong thi hành án hành chính; đề xuất các biện pháp cụ thể nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật.
Trước mắt, Bộ cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách các UBND cấp tỉnh chưa thi hành xong bản án, quyết định của tòa án để chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành án hành chính theo quy định; công khai xử lý các công chức, viên chức thực hiện không đúng nghiệp vụ, gây thiệt hại đến quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân.
Phó Thủ tướng lưu ý, các cơ quan thi hành án phải tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật, tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, hạn chế phát sinh những vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài. Các cơ quan thi hành án cũng cần chủ động, tích cực đề xuất tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự chỉ đạo việc phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không chấp hành án.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án dân sự tập trung, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chuyển giao bản án, quyết định; nhanh chóng giải quyết đối với các tranh chấp, yêu cầu về xác định phần sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong tài sản chung của hộ gia đình; giải quyết đúng thời hạn đối với các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự; kịp thời giải thích bản án, quyết định tuyên, bảo đảm tính khả thi.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm việc tuân theo pháp luật của các đối tượng là tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án, đồng thời, tăng cường kiểm sát thi hành án hành chính. Đặc biệt, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thực hiện phong tỏa tài sản đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, tránh tẩu tán tài sản.
Tại Hội nghị, báo cáo về công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2017, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Hoàng Sỹ Thành cho biết, Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo toàn hệ thống hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính theo Nghị quyết số 111/2015/QH13; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý tăng (tăng 5,57% về việc và 19,67% về tiền) cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 173 nghìn tỷ đồng), công tác xác minh, phân loại án tiếp tục được chú trọng; việc giải quyết các vụ việc trọng điểm, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế - tham nhũng, thu hồi các khoản nợ của tổ chức tín dụng có nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Sỹ Thành, số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền (gần 57.000 tỷ đồng, chiếm 34,68% tổng số phải thi hành); số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp (đạt 76,45%). Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế một số trường hợp chưa chính xác, đầy đủ dẫn đến phát sinh khiếu nại phức tạp, kéo dài; còn số lượng khá lớn tài sản chưa bán đấu giá thành hoặc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được.
Ngoài ra, thủ trưởng một số cơ quan thi hành án chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác đối thoại, tiếp công dân, không xử lý dứt điểm vụ việc từ cơ sở dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn còn chậm, chưa tạo chuyển biến rõ rệt, nhất là ở cấp Chi cục…