Tuyến biên giới Tây Nam gồm 6 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang; có đường biên giới giáp với 8 tỉnh của Campuchia dài khoảng 834 km; có 10 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu chính, 23 cửa khẩu phụ và 125 đường mòn, lối mở qua lại hai bên biên giới. Trên tuyến có hệ thống giao thông liên kết giữa 2 nước bằng đường sông, đường bộ là điều kiện để nhiều đối tượng lợi dụng gia tăng các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia qua tuyến biên giới Tây Nam vào Việt Nam tiêu thụ và chuyển đi nước thứ ba…
Các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng người Việt Nam sống tại Campuchia móc nối với các đối tượng trong nước để hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Campuchia qua biên giới Tây Nam vào Việt Nam bằng cách giấu trong các hàng hóa nông, hải sản; sau đó lợi dụng xe “luồng xanh” để vận chuyển trái phép ma túy về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Trong nước, các đối tượng lợi dụng các mạng xã hội để trao đổi, mua bán trái phép chất ma túy, sau đó thuê “shipper” giao hàng, ma túy thường để lẫn vào hàng hóa…
Bên cạnh đó, tình hình mua bán, vận chuyển chất ma túy và sử dụng ma túy tổng hợp ở các nước có chung đường biên giới với Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt, các đối tượng chuyển từ mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài về sang sản xuất ma túy tổng hợp ngay trong nước.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, thời gian qua, Công an các địa phương trên tuyến biên giới Tây Nam căn cứ vào tình hình thực tế và mục tiêu yêu cầu, nhiệm vụ của phương án nghiệp vụ để xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện. Qua đó, lực lượng chức năng các tỉnh biên giới Tây Nam và Thành phố Hồ Chí Minh xác định có 7 tuyến trọng điểm các đối tượng vận chuyển ma túy từ Campuchia qua biên giới Tây Nam vào nội địa tiêu thụ. Trong nước, xác định 37 tuyến trọng điểm, 80 địa bàn trọng điểm, 106 điểm, 19 tụ điểm phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma tuý.
Sau 6 tháng triển khai thực hiện phương án nghiệp vụ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, Công an 6 tỉnh Tây Nam và Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ 1.120 vụ, liên quan đến 2.097 đối tượng; thu giữ 25.590 viên và 322,77 kg ma túy tổng hợp; 67 bánh và 81,8 kg heroin; 54,65 kg cần sa; 4 khẩu súng, 88 viên đạn, 1 quả lựu đạn cùng nhiều tài sản, vật chứng khác có liên quan. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra các địa phương đang thụ lý 2.045 vụ án với 2.837 bị can; đấu tranh triệt xóa 73 điểm, 17 tụ điểm phức tạp về ma túy…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, kết quả của Ban Chỉ đạo phương án nghiệp vụ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam thời gian qua đã phần nào minh chứng cho cuộc chiến quyết liệt, không ngừng của lực lượng Công an đối với sự liều lĩnh, manh động và tinh vi của tội phạm ma túy.
Để phòng ngừa, ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu, Công an các địa phương trên tuyến biên giới Tây Nam và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo các cấp, các ngành tham gia các giải pháp phòng, chống tội phạm ma tuý; đề ra các giải pháp cụ thể để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, gắn với thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy các tỉnh biên giới Tây Nam và Thành phố Hồ Chí Minh cần nắm được tình hình địa bàn, đối tượng, chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến; kiểm soát tuyến biên giới Tây Nam và các tuyến, địa bàn khác ở trong nước, không để tội phạm ma túy câu kết, móc nối hoạt động trên tuyến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam nhằm chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, đấu tranh ngăn chặn trước khi ma túy thẩm lậu từ Campuchia vào Việt Nam và đưa đi các nước tiêu thụ.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng yêu cầu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an thường xuyên phối hợp, hiệp đồng tác chiến với Công an các địa phương trên toàn tuyến biên giới Tây Nam và với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn ma túy tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển; tạo thế trận thống nhất, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tại các cảng hàng không, cảng biển...
Công an các tỉnh biên giới chú trọng đẩy mạnh phối hợp, hợp tác với Công an các tỉnh giáp biên của Campuchia thông qua các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ đã ký kết; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp xác lập chuyên án chung với Campuchia để đấu tranh với các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ trước tình trạng thẩm lậu ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.