Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Thành ủy Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức cho biết, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình số 10-CTr/TU, với phương châm kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng, không nghỉ, Hà Nội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó góp phần giữ vững, ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.
Về kết quả triển khai Chương trình số 10-CTr/TU, qua hơn 2 năm thực hiện, chương trình đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức 3.208 cuộc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với 81.448 lượt người tham gia; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng với 1.154 trường hợp.
Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng cũng đạt những kết quả nổi bật. Trong đó, các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở đã tiến hành kiểm tra 3.542 tổ chức Đảng, 992 đảng viên; giám sát đối với 2.212 tổ chức Đảng, 1.098 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 317 lượt tổ chức Đảng và 758 đảng viên, kết luận 122 tổ chức Đảng (chiếm 38%) và 332 đảng viên (chiếm 44%) có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 17 tổ chức Đảng và 236 đảng viên.
Thành phố triển khai 691 cuộc thanh tra, đã kết luận 420 cuộc. Qua thanh tra, lực lượng chức năng đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 50,593 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 1.080m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 104 tập thể và 172 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ án, 133 vụ việc có dấu hiệu phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, cơ quan điều tra Công an thành phố đã thụ lý 101 vụ/190 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân thành phố thụ lý 61 vụ/139 bị can; Tòa án nhân dân thành phố thụ lý 84 vụ/267 bị cáo…
Đáng chú ý, Thường trực Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tập trung chỉ đạo xử lý 47 vụ việc, vụ án; bổ sung 21 vụ án, 3 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đã kết thúc chỉ đạo xử lý 2 vụ án; hiện còn xử lý 45 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phân công Viện Kiểm sát nhân dân thành phố kiểm sát sơ thẩm đổi với 30 vụ án/135 bị can vi phạm án tham nhũng, kinh tế lớn, nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Tòa án nhân dân thành phố được giao xét xử sơ thẩm nhiều vụ đại án; đã tổ chức xét xử và tuyên án 23 vụ/105 bị cáo.
Để nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, thành phố cũng sẽ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền thành phố về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để không thể tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
Tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Công an thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội trình bày những tham luận, trong đó nhận định, nhận diện những biểu hiện mới của việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cũng như chỉ ra những tồn tại hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng gợi mở những biện pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Thành ủy Hà Nội luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở các cấp, ngành, lĩnh vực; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng. Ngoài ra, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Với cách làm bài bản, khoa học, chặt chẽ của Thành ủy Hà Nội, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần giữ vững, ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp Chương trình số 10-CTr/TU đã đề ra, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý các cấp ủy, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và của thành phố; đặc biệt là các ý kiến chỉ đạo, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Song song với đó, các đơn vị, địa phương siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, nhất là thanh tra công vụ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Ngoài ra, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần đưa công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vào chương trình công tác hàng năm của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp; lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm; những vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy chỉ đạo, giải quyết. Khi xảy ra tham nhũng phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời, công khai theo đúng quy định, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ.
Nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng: "Người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tại tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình và phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí xảy ra tại đơn vị mình. Quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó. Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn".
Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không tạo kẽ hở, dễ lợi dụng và giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của các cấp chính quyền; phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân trong giám sát đại biểu dân cử, giám sát cán bộ, công chức nhà nước trong việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.