Đồng thời, các cấp, các ngành cần hạn chế tổ chức các cuộc họp, sự kiện và hoạt động tập trung đông người; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, kiểm soát dịch bệnh; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ trong phòng chống dịch.
Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc việc khoanh vùng, điều tra, xử lý ca bệnh; tổ chức tốt việc cấp cứu điều trị người bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; bố trí khu vực cách ly tại cơ sở y tế để tổ chức cách ly trong vòng 14 ngày đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 (F1) và các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở mà có tiền sử đi từ các nước có dịch về Việt Nam chưa qua 14 ngày.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cần rà soát, làm việc với một số cơ sở khách sạn, cơ sở lưu trú để triển khai phương án cách ly đối với người nước ngoài hoặc đối tượng khác nếu có yêu cầu; phối hợp các công ty lữ hành du lịch có trách nhiệm thông báo đến hành khách nhập cảnh là người Việt Nam hoặc người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài, khách nước ngoài áp dụng hình thức cách ly tại khách sạn hoặc cơ sở lưu trú khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở y tế có đủ chức năng, thẩm quyền cấp giấy xác nhận cho những người đã cách ly đủ 14 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung, gửi danh sách những người đã đủ thời gian cách ly về các địa phương để tiếp tục theo dõi sức khỏe; khẩn trương chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly ngoài cơ sở cách ly của quân đội, công an; đảm bảo đáp ứng đủ các trang thiết bị, vật tư y tế cho các cơ sở y tế và tại các cơ sở cách ly tập trung. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cách ly một tổ dân phố, thôn xóm, xã, phường; rà soát, sàng lọc người bị cách ly tập trung, chuyển các trường hợp không có biểu hiện bệnh và không đến từ hoặc đi qua vùng dịch về cách ly tại nơi cư trú đủ 14 ngày dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cần xây dựng phương án dự phòng địa điểm, cơ sở cách ly, chỗ ở, nhu yếu phẩm đảm bảo tiếp nhận và thực hiện cách ly người về từ vùng dịch trong thời gian tới và khi triển khai cách ly diện rộng; lập danh sách các trường hợp đã cách ly đủ 14 ngày gửi Sở Y tế để cấp Giấy xác nhận; tổ chức bàn giao đầy đủ tư trang hành lý của những người hết thời gian cách ly, tạo điều kiện thuận lợi, tổ chức vận chuyển ra các bến tàu, bến xe để sớm được về với gia đình; chăm lo bảo vệ sức khỏe, bảo đảm điều kiện sinh hoạt, không để lây nhiễm cho đội ngũ lực lượng vũ trang làm việc tại khu, cơ sở cách ly tập trung.
Công an thành phố cần tiếp tục tổ chức việc cách ly tập trung đối với các đối tượng là người nước ngoài theo quy định tại Bệnh viện Công an thành phố, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất và sinh hoạt, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các trường hợp có tiếp xúc với các trường hợp mắc bệnh, tiếp xúc với người tiếp xúc với bệnh nhân... để tổ chức cách ly theo quy định. Công an các quận, huyện, thị xã đảm bảo an ninh - trật tự cho quá trình tổ chức cách ly, trong quá trình vận chuyển người cách ly, quá trình tổ chức cách ly tại các cơ sở y tế và cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú, cư trú; xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự, các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội, theo đúng quy định của pháp luật.
UBND các quận, huyện, thị xã có phương án xây dựng phương án cách ly một tổ dân phố, thôn, xóm, xã, phường và phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp tục điều tra rà soát, xác định nơi lưu trú, cư trú của tất cả những người đi trên chuyến bay số hiệu VN0054 xuất phát từ Vương quốc Anh về đến Hà Nội ngày 2/3/2020 và các trường hợp có tiếp xúc gần để có hướng dẫn và thực hiện cách ly y tế theo quy định; rà soát toàn bộ những người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân mắc COVID-19 để chuyển đến cách ly tại các cơ sở y tế theo quy định; tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày theo quy định đối với người tiếp xúc với người có tiếp xúc gần (F2) với bệnh nhân; tuyệt đối không được để người dân ra khỏi khu cách ly và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Thêm vào đó, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục rà soát thống kê danh sách đối với người F3 và với những người có liên quan khác ngoài các trường hợp trên và các trường hợp hết thời gian cách ly được trở về, cần lập danh sách, hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu thấy có biểu hiện bệnh thì chủ động đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ra nước ngoài, nhất là đến các vùng có dịch; nghiêm túc thực hiện việc cách ly, giám sát y tế, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm; phát động toàn dân nâng cao ý thức và tăng cường các hoạt động tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch, chính quyền địa phương các cấp cần tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.