Tại Hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu rõ, việc thực hiện quy chế, hoạt động phối hợp công tác giữa hai cơ quan trong 5 năm qua (2017 - 2022) đã thu được kết quả đáng ghi nhận trên nhiều mặt công tác. Một trong những kết quả nổi bật là hai cơ quan đã phối hợp tốt trong công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật của Đảng liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã chủ trì, chủ động xử lý kỷ luật Đảng đối với cán bộ, đảng viên sai phạm trong các vụ án như tại Tổng công ty viễn thông Mobifone, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ, Tập đoàn Than - Khoáng sản…
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng chỉ rõ, hiện nay có 38 Đảng bộ doanh nghiệp trực thuộc Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương là các doanh nghiệp Nhà nước lớn, quan trọng, quản trị khối lượng tài sản rất lớn của đất nước. Thời gian vừa qua, cùng với những đóng góp hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì tại một số đảng bộ doanh nghiệp trực thuộc Đảng ủy Khối đã xảy ra một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, nghiêm trọng, gây thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước.
Vì vậy, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh và phát triển doanh nghiệp vững mạnh, hiệu quả - ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị, thời gian tới, Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu, xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh tế - xã hội nói chung và trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp Nhà nước nói riêng.
Trong công tác này, chú ý nhất là phối hợp phát hiện, kiến nghị, kịp thời khắc phục những sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, hoạt động đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; góp phần bịt kín những khoảng trống, kẽ hở, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, phải giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước, nhưng cũng phải khuyến khích, bảo vệ những trường hợp dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
“Chúng ta một mặt phải chú trọng bịt kín những sơ hở bằng thể chế nhưng thể chế cũng phải tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp” - ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị hai cơ quan phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá các hành vi vi phạm pháp luật qua xử lý các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước để rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó tăng cường các biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa, phòng ngừa sai phạm, nhưng đồng thời kiến nghị kịp thời để sửa đổi, khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, an toàn, thuận lợi cho các doanh nghiệp, không để xảy ra những vụ việc tương tự trong thời gian tới.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, ngày 10/7/2017, Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ký quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan. Qua 5 năm thực hiện, quy chế phối hợp đã giúp mỗi cơ quan có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình; thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên nhiều mặt công tác. Thông qua việc thực hiện quy chế phối hợp, mối quan hệ giữa hai cơ quan, giữa các vụ, đơn vị của hai cơ quan được gần gũi, gắn bó, qua đó khẳng định nhu cầu phối hợp giữa hai cơ quan là khách quan, thực sự cần thiết.
Tuy nhiên công tác phối hợp giữa hai cơ quan vẫn còn một số hạn chế và còn một số nội dung trong quy chế phối hợp chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, thường xuyên đã ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả thực hiện quy chế phối hợp.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp, một trong những nội dung trọng tâm mà Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tập trung trong thời gian tới là quan tâm hơn nữa việc phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trọng tâm là hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội nói chung và trong hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo điều kiện cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong quản lý, phát triển doanh nghiệp; khắc phục tình trạng sợ sai, không dám làm của không ít cán bộ hiện nay.
Hai cơ quan cũng tăng cường hơn nữa việc trao đổi thông tin, nhất là thông tin về chương trình, kế hoạch và kết quả kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thông tin về tổ chức đảng, đảng viên là lãnh đạo doanh nghiệp có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ việc, vụ án thuộc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc hoặc có đơn tố cáo liên quan đến sai phạm về kinh tế, tham nhũng...