Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Bộ Nội vụ

Chiều 16/2, làm việc với Bộ Nội vụ về kết quả thực hiện nhiệm vụ từ sau Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định sẽ hỗ trợ, cộng đồng trách nhiệm với Bộ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Bộ Nội vụ. Ảnh: baochinhphu.vn

Tiếp tục giảm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2021, Bộ Nội vụ đã chủ động xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Hai năm qua, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thông qua 2 luật, 2 nghị quyết của Quốc hội; 18 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 16 nghị định và 5 nghị quyết của Chính phủ; 15 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 20 thông tư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và 13 văn bản hợp nhất.

Đồng thời, đã tập trung thẩm định 26/26 dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền về phương án, lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; kịp thời đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%).

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, lĩnh vực của ngành Nội vụ rất đa dạng, phong phú, phức tạp, khó, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến xã hội, đến tổ chức bộ máy, con người trong hệ thống công và tác động đến hệ thống chính trị rất rõ.

5 năm qua, Bộ đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy bước đầu tinh gọn và hướng tới hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, bước đầu cơ cấu lại đội ngũ để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ. Về biên chế, giảm trên 10% biên chế công chức và 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Về tổ chức bộ máy, số đơn vị sự nghiệp giảm 13,5% và tổ chức hành chính giảm trên 10%, đều vượt các chỉ tiêu Nghị quyết 18,19 của Ban Chấp hành Trung ương.

Nhận định năm 2023 đầy thách thức, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn trong lĩnh vực tổ chức bộ máy. Đó là tiếp tục sắp xếp tổ chức hành chính tinh gọn, thu gọn đơn vị sự nghiệp công lập và sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 37 và Kết luận số 48 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương. Bộ sẽ tham mưu Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực có một đề án đổi mới và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công trong giai đoạn tới.

Hiện bộ đang “chạy đua với thời gian” để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào tháng 3/2023, tiếp theo đó sẽ trình Chính phủ thông qua nghị quyết về vấn đề này.

Cho biết chưa thể công khai cụ thể số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sắp xếp giai đoạn tới, song, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, “chủ trương của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu là rất lớn”.

“Giai đoạn vừa qua chúng ta đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm được 563 đơn vị hành chính cấp xã. Giai đoạn tới, đối với đơn vị hành chính cấp huyện sẽ phải gấp 3 và đối với đơn vị hành chính cấp xã phải gấp đôi số này”, bà nói và mong Thủ tướng, Phó Thủ tướng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đồng hành để triển khai hoàn thành nhiệm vụ hết sức khó khăn và nặng nề này.

Một nội dung nữa được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề cập là thực hiện tinh gọn biên chế đồng thời cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ, hoàn thành được việc xác định vị trí việc làm, mô tả khung năng lực của vị trí việc làm của cả hệ thống hành chính nhà nước.

“Nền công vụ tuy đã có nhiều đổi mới, đã rất quyết tâm để thay đổi tư duy trong quản trị, nhưng thực chất vẫn còn nhiều việc phải làm”, Bộ trưởng Nội vụ nói.

Bà cho biết, hiện nay đang tồn tại hai chế độ công vụ, đó là chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên và chế độ công vụ đối với cấp xã. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp cơ sở, từ đó đảm bảo xây dựng một chế độ công vụ chung từ cấp cơ sở đến Trung ương.

Đồng hành, chia sẻ

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ này đang thiếu rất biên chế, rất khó hút nhân lực trẻ có năng lực, trình độ chuyên môn cao vào làm. Vì vậy, Bộ rất mong muốn đồng hành cùng Bộ Nội vụ xây dựng, trình Chính phủ nghị định thu hút nguồn nhân lực làm về chuyển đổi số, an toàn an ninh mạng trong các cơ quan nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết sẽ giúp Bộ Nội vụ trong mọi vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu về cán bộ công chức, viên chức và kết nối cơ sở dữ liệu này với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng tích hợp mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang quản lý.

Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của ngành Nội vụ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, trước khi đến đây, ông đọc báo cáo thì thấy Bộ rất nhiều việc, với 9 nhóm nhiệm vụ, nhưng qua nghe phát biểu tại buổi làm việc, “tôi thấy không những nhiều mà còn khó”. “Bởi đụng đến con người, đụng đến tổ chức bộ máy là tế nhị lắm, sát sườn với tất cả mọi người". Thứ hai là đụng đến những việc rất khó làm, như tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính dôi dư, hay như công tác tôn giáo, tín ngưỡng cũng rất đặc thù, "có khi sai một li đi một đặm…”, Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng cho biết, những việc khác theo xu thế như chuyển đổi số, cải cách hành chính,… ngay cả việc có vẻ như dễ dàng nhất như công tác thi đua khen thưởng cũng phải cẩn trọng. 

Ghi nhận dù việc nhiều nhưng Bộ Nội vụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Phó Thủ tướng cũng giải đáp các kiến nghị của Bộ. Với Đề án sắp xếp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để đưa vào chương trình công tác năm, trong đó ghi rõ tháng trình và phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện đề án.

"Đề nghị thứ 2 là đề nghị tôi rất đồng tình. Nói một cách giản dị là cho những anh chị, đang làm công việc của công chức nhưng không được làm công chức thì “trả lại tên em”, cho họ làm công chức. Đồng chí nào ở địa phương mới thấm cái này. Anh em không có chức danh, chức phận gì cả mà phải làm những việc vượt lên chế độ chính sách được hưởng hay là cách nhìn nhận của mọi người. Tôi hứa sẽ hết sức tích cực để làm”. Phó Thủ tướng nói khi trả lời đề nghị về việc điều chuyển số viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm công chức trong các tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước thành công chức. Chuyển số người có mặt đang thực hiện vị trí việc làm công chức trong các tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước có cơ chế tài chính đặc thù chưa được giao biên chế công chức thành công chức.

Trước đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, Phó Thủ tướng cho biết “rất sẵn lòng”. Tuy nhiên, ông lưu ý để việc này có chất lượng, Bộ Nội vụ phải có văn bản với tinh thần yêu cầu cụ thể nội dung và đề xuất thời gian hoàn thành. Về phần trách nhiệm của mình, Phó Thủ tướng hứa sẽ đồng hành với bộ, có sự chia sẻ, hỗ trợ, cộng đồng trách nhiệm để cùng vượt qua.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chiều 15/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển của Ngành thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN