Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cùng đại diện Bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành trong tỉnh dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh cần triển khai nhanh các dự án, cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông, nhất là hai tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu và đường liên kết vùng Lương Sơn - Kim Bôi.
Đây là điều kiện để nhà đầu tư và du khách đến với Hòa Bình. Tỉnh cần triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia để chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có đạo đức, vừa có tri thức, nguồn nhân lực thực hiện thành công quy hoạch này.
Trong công tác Quy hoạch, Phó Thủ tướng lưu ý, Hòa Bình luôn phải tuân thủ, chỉ ra được định hướng và giải pháp đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, tỉnh cần linh hoạt trong tổ chức thực hiện; đồng bộ với quy hoạch cấp dưới, quy hoạch ngành...
Hòa Bình có vị trí chiến lược, nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội về phía Đông, là cực tăng trưởng của tiểu vùng phía Tây gồm: Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên thuộc Vùng Trung du miền núi phía Bắc. Những tiềm năng, lợi thế so sánh, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Hòa Bình bước vào thời kỳ phát triển mới, tạo sự bứt phá vươn lên trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tỉnh luôn xác định, công tác xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng và phải đi trước một bước. Đây là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng và phê duyệt thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Đồng thời, quy hoạch phù hợp với định hướng, chủ trương tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, Quy hoạch thể hiện tư duy, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội, động lực phát triển mới và giá trị mới cho tỉnh Hòa Bình với 7 quan điểm phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 5 khâu đột phát và 4 trụ cột phát triển. Quy hoạch tỉnh được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển quan điểm của tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cam kết nỗ lực, năng động, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao đạo đức công vụ, lấy lợi ích, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân là thước đo của sự phát triển...
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Đây là bước thể chế, khái quát hóa về tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh và từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong dài hạn, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức sắp xếp không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh; hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Đoàn công tác đã trao tặng 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo tỉnh; tặng 644 suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín, công nhân lao động tỉnh Hòa Bình.