Tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực đất đai, qua đó, phát huy đầy đủ trí tuệ của nhân dân, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Công tác tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, khoa học, thực chất. Đến nay, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp, tiếp thu các nhóm ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, dự kiến trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phó Thủ tướng yêu cầu Cơ quan soạn thảo tổng hợp, thống kê số lượng ý kiến đóng góp, những nhóm vấn đề nổi bật các bộ, ngành, địa phương, nhân dân quan tâm; qua đó, cũng xem xét việc tổ chức, cách thức tổng hợp ý kiến góp. “Ngoài việc thể chế một số chủ trương, chính sách mới, phải tập trung tháo gỡ những vấn đề của Luật Đất đai 2013 cũng như khắc phục tình trạng giao thoa, chồng chéo, xung đột với các luật khác. Lưu ý Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa những quy định để tạo động lực khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai”, Phó Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh, việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp vào nội dung dự thảo luật phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các luật có liên quan, tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”.
Bên cạnh đó, Cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị chuyên môn để “tham chiếu” vào từng điều, mục cụ thể trong dự thảo luật, bao quát đặc thù của từng lĩnh vực kinh tế-xã hội thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu một số ý kiến được nêu tại cuộc họp như: Quy định phân loại đất công, đất an ninh - quốc phòng kèm theo cơ chế, chính sách phù hợp để đơn giản hóa thủ tục hành chính; chính sách tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài nhằm huy động, thu hút các nhà đầu tư mà không ảnh hưởng đến an ninh-quốc phòng, bảo đảm bình đẳng cho doanh nghiệp; cơ chế cho thuê đất, trả tiền hàng năm hoặc trả tiền một lần; đánh giá tác động của các quy định mới trong dự thảo luật…
Cơ quan soạn thảo tập trung lắng nghe, xác định vấn đề chưa được tiếp thu đầy đủ theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" cũng như đòi hỏi của thực tiễn; vướng mắc, bất cập, tồn tại chưa được tháo gỡ, khắc phục đầy đủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để có phương án sửa đổi, bổ sung đồng bộ, thống nhất các luật, văn bản pháp lý có liên quan đến dự thảo luật.
Còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau
Trước đó, theo báo cáo của Cơ quan soạn thảo, dự thảo luật hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân có 16 chương, 242 điều, trong đó bổ sung mới 17 điều, bỏ 11 điều và tăng 1 mục so với dự thảo xin ý kiến nhân dân.
Một số nội dung lớn được nhiều ý kiến góp ý tập trung vào nhóm vấn đề về: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; địa giới hành chính; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại…
Đáng chú ý, Cơ quan soạn thảo cho biết, trong quá trình tiếp thu, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như: quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm; thu hồi đất trong trường hợp người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính; các trường hợp cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; hỗ trợ cho đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp…
“Càng cụ thể càng dễ áp dụng”
Tại cuộc họp, nhấn mạnh quá trình triển khai lấy ý kiến nhân dân được tiến hành bài bản, khoa học, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan tới 22 luật, nhiều văn bản pháp lý, vì vậy, Cơ quan soạn thảo cần rà soát, bổ sung nội dung thực hiện theo quy định của các luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư...
Để bảo đảm tính khả thi của Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp kiến nghị đưa những nội dung, quy định mới vào các dự án luật đang được xây dựng, soạn thảo theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội hoặc thực hiện một luật sửa nhiều luật đối với những luật chưa có kế hoạch bổ sung, sửa đổi.
Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và cấp tỉnh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đề nghị bổ sung quy định về việc quy hoạch địa điểm tập trung, lưu giữ, xử lý, chôn cất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng để bảo đảm việc quản lý các đối tượng này theo yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định với đất khu công nghệ cao như Luật Đất đai 2013 để làm căn cứ xác định phương hướng xây dựng các khu công nghệ cao trong quy hoạch vùng và phương án phát triển các khu công nghệ cao trong quy hoạch cấp tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng kiến nghị cơ quan soạn thảo cập nhật các văn bản pháp lý liên quan đến đất quốc phòng, an ninh vào dự thảo luật để phù hợp với thực tiễn và thẩm quyền sử dụng; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng an ninh.
Từ thực tế “10 ý kiến có tới 8 ý kiến quan tâm đến thu hồi đất”, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, dự thảo luật quy định danh mục các loại đất thu hồi “càng cụ thể càng dễ áp dụng”, vừa an dân, giữ ổn định xã hội, vừa đáp ứng được quy định của Hiến pháp về quyền sử dụng đất của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư và môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề cho thuê đất, thu hồi đất, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế... “Các quy định về đất đai phải tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp đầu tư, triển khai dự án sản xuất, kinh doanh. Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần có cơ chế khả thi nhằm thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Ngoài ra, các ý kiến cũng tập trung thảo luận, đề xuất liên quan đến phương pháp xác định giá đất; quá trình lập, tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã trong quản lý đất đai…