Dự và chỉ đạo Đại hội có: Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Y Thanh Hà Niê K’đăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu Đại hội, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận và biểu dương những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đạt được.
Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng vũ trang, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục quán triệt, học tập, nắm vững các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình hiện nay. Địa phương quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào; phát huy vai trò quan trọng người có uy tín trong cộng đồng làm nòng cốt tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc. Từ đó, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc trong tình hình hiện nay; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kịp thời phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cơ sở, trực tiếp cho đồng bào.
Gia Lai cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đủ trình độ, năng lực, trách nhiệm, tâm huyết để giai đoạn tới thực hiện hiệu quả. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đoàn kết, chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cùng nhau bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Mỗi người dân là một cột mốc sống để bảo vệ biên giới quốc gia thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái vì cuộc sống an yên của mọi người.
“Tỉnh Gia Lai, đồng bào các dân tộc cả nước và 250 đại biểu dự Đại hội sẽ là hạt nhân quan trọng, truyền cảm hứng để mọi người, mọi nhà vượt khó vươn lên, đồng lòng, chung sức xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, bền vững cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn bình của dân tộc để cùng xây dựng được đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu" - ông Đỗ Văn Chiến tin tưởng.
Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới ở khu vực Tây Nguyên, có gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số với 46 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiếu số lần thứ 3, giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu của Đại hội đề ra. Cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt gần 60 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm trên 4%; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh được quan tâm đầu tư xây dựng.
Đến nay, 99,44% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 99,92% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; đã hình thành và phát triển các vùng trồng với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện… Qua đó, góp phần tạo nên diện mạo phát triển mới đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của địa phương.
Những năm qua, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn lực thực hiện chương trình, các địa phương đã triển khai các nội dung dự án về hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, giải quyết căn bản các nhu cầu thiết yếu trong đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn lực, điều kiện cần thiết để vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Ghi nhận những đóng góp xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, tại Đại hội, 1 tập thể và 5 cá nhân đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng Bằng khen; 17 tập thể và 210 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh giai đoạn 2019- 2024.