Phó Thủ tướng Men Sam An cũng khẳng định BIDV/BIDC luôn giữ vai trò đầu tàu trong số các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia, tiếp tục phát huy vai trò cầu nối trong các hoạt động kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, phát biểu nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập BIDC (9/2009 - 9/2019) và các đơn vị hiện diện thương mại của BIDV tại Campuchia, sự kiện được tổ chức chiều 19/9 tại Phnom Penh với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh và Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) Chea Chanto, bà Men Sam An thay mặt Chính phủ Hoàng gia Campuchia và Thủ tướng Samdech Hun Sen nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu mà BIDV/BIDC đã đạt được trong 10 năm qua.
Tiền thân là Ngân hàng Đầu tư Thịnh vượng, sau khi được tái cơ cấu và đổi tên, Ngân hàng BIDC chính thức đi vào hoạt động tại Campuchia từ tháng 9/2009. Sau 10 năm phát triển, BIDC đã trở thành một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất tại đất nước Chùa tháp về quy mô và thị phần với tổng giá trị tài sản đạt hơn 750 triệu USD và dư nợ cho vay trên 600 triệu USD.
Nhìn nhận về quá trình hoạt động của BIDC, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia Chea Chanto cho rằng ngân hàng này đã giữ vai trò liên kết nền kinh tế hai quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thống đốc Chea Chanto ghi nhận vai trò quan trọng của BIDC trong hệ thống các ngân hàng Campuchia, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ Campuchia gắn liền với bốn mục tiêu quan trọng là: Tăng trưởng, việc làm, công bằng và hiệu quả.
Theo đánh giá của NBC, ngành ngân hàng ở Campuchia đang phát triển về quy mô và phạm vi cùng với sự an toàn và môi trường tốt. Trong đó, tính đến cuối tháng 7/2019, tài sản trong hệ thống ngân hàng Campuchia đã tăng lên 144% /tổng GDP, tiền gửi khách hàng và tín dụng đối với khu vực tư nhân lần lượt tăng 101,6% và 108,5%.
BIDC và các hiện diện thương mại khác của BIDV tại Campuchia được đánh giá là góp phần quan trọng tạo chỗ đứng vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên đất nước Chùa Tháp, thúc đẩy các chương trình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Campuchia, cũng như chú trọng triển khai công tác an sinh xã hội, nhân đạo tại nước bạn.
Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, những đóng góp đó đã góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 5 trong số những nước đầu tư lớn nhất vào Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện trên 2 tỷ USD, thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia liên tục tăng trưởng với kim ngạch 4,7 tỷ USD trong năm 2018 và dự kiến sẽ đạt mốc 5 tỷ USD trong năm 2019.