Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, trong giai đoạn 2014-2018 trên toàn tỉnh xảy ra 143 vụ cháy (có bốn vụ cháy rừng), làm chết 13 người, bị thương chín người. Thiệt hại tài sản 57,6 tỷ đồng. Trong đó, có 101 vụ cháy do sự cố điện, 26 vụ cháy do bất cẩn, 11 vụ cháy chưa xác định rõ nguyên nhân.
Trong số hơn 1.780 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy trong tỉnh thì có đến 1.196 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Vấn đề đáng quan tâm là nhiều cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao nằm đan xen trong khu dân cư, nên khi xảy ra cháy, nổ sẽ lan nhanh, tích tụ nhiều khói, khí độc trong các lối thoát...; một số cơ sở nằm cách xa trục đường chính, đường giao thông nhỏ, hẹp đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đối với công tác chữa cháy, cứu người bị nạn. Ngoài ra, trang thiết bị, phương tiện bảo hộ phục vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, nhiều phương tiện, thiết bị đã cũ, xuống cấp sau nhiều năm sử dụng nhưng chưa được sửa chữa, bổ sung nên cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động. Một số cơ quan, đơn vị và một phận người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn xem nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy; năng lực của cán bộ làm công tác tuyên truyền còn hạn chế, phương pháp tuyên truyền chưa được đổi mới, sinh động.
Trong thời gian qua UBND tỉnh thường xuyên quan tâm đôn đốc, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy. Tỉnh tổ chức thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và việc ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy, chữa cháy; xây dựng lực lượng, phương án chữa cháy chuyên nghiệp phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các vụ cháy, nổ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng Chương trình giám sát của Đoàn công tác Quốc hội là dịp để tỉnh rà soát, kiểm điểm nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy. Đoàn công tác đã trao đổi, gợi mở nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, dân cư, hệ thống giao thông, cấp nước...; xây dựng kế hoạch, phương án, đảm bảo kinh phí, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế phòng cháy, chữa cháy tại địa phương. Qua đó, tỉnh kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh một số mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2019, UBND tỉnh chỉ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động các phương án phòng cháy, chữa cháy theo phương châm "bốn tại chỗ". Đặc biệt là tăng cường quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng tràm ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ; bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, máy móc phục phục công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần ra kiểm soát người ra vào rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vào rừng lấy mật ong, săn bắt động vật hoang dã, chặt phá cây rừng.
Tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Công an tham mưu đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, theo Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tỉnh đề nghị Bộ Công an xem xét đầu tư kinh phí, phương tiện, dụng cụ bảo hộ cần thiết để địa phương sớm triển khai thành lập các Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực trực thuộc Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, Bộ Công an cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác phòng cháy, chữa cháy giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương, các nước nhằm nâng cao trình độ, năng lực công tác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của tỉnh trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018. Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục quan tâm rà soát, bổ sung, đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả, chương trình tổng thể công tác phòng cháy, chữa cháy ở Cà Mau theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Luật Phòng cháy, chữa cháy và các quyết định, chỉ thị liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Tỉnh Cà Mau cần chủ động xây dựng dựng kế hoạch, phương án, giải pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả, sát với tình hình thực tế; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đừng đầu cơ quan quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy, không được chủ quan trong tác này. UBND tỉnh phải tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng cháy, chữa cháy; xác định đây là công tác quan trọng, trọng tâm và thường xuyên, không khoán trắng cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tỉnh Cà Mau có rừng U Minh Hạ với diện tích rất lớn, đây là tài nguyên của Quốc gia. Do vậy, Cà Mau cần tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, bố trí lực lượng túc trực quan sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn; tổ chức tuần tra thường xuyên; phát hoang, vệ sinh các đường băng cản lửa để hạn chế xảy ra cháy rừng. Mặt khác, tỉnh chú trọng giải quyết tốt sinh kế, đời sống cho người dân vùng rừng gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tỉnh Cà Mau cũng cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để công tác này trở thành phong trào sâu rộng, lớn mạnh của toàn dân.