Tiếp tục phiên họp thứ tư, sáng 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.
Tán thành với việc cần thiết phải ban hành Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, việc xây dựng Bộ pháp điển tuy không có giá trị sử dụng như văn bản gốc nhưng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ tra cứu, thực hiện pháp luật; đồng thời giúp cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, áp dụng được chính xác các quy định của pháp luật; qua đó phát hiện các quy định của pháp luật còn chồng chéo để tiến hành sửa đổi, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về giá trị pháp lý, giá trị sử dụng của Bộ pháp điển, cũng như địa vị pháp lý và thời gian hoạt động của Ủy ban Pháp điển quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng thành lập Ủy ban quốc gia để chỉ đạo, điều phối việc thực hiện pháp điển là rất khoa học, việc pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là rất hệ thống, dễ tìm nhưng không dùng được, nhà đầu tư không dám dùng vì tất cả đều phải tìm đến văn bản gốc. Cũng như vậy, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề xuất, nếu chỉ dừng ở mức độ pháp điển hình thức để tra cứu thì nên chăng chỉ coi đây là đề tài cấp nhà nước và giao cho Thư viện quốc gia hoặc trường ĐH Luật để làm đề tài nghiên cứu. Việc Ủy ban Thường vụ có pháp lệnh rồi lại thành lập Ủy ban quốc gia là quá lãng phí.
Lý giải của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho thấy: Pháp điển là việc vô cùng phức tạp. Pháp điển sẽ làm cho hệ thống pháp luật rõ ràng minh bạch. Việc pháp điển lần đầu chỉ ở mức độ pháp điển hình thức, tức là chỉ rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật vào Bộ pháp điển theo trật tự hợp lý để dễ tra cứu; chưa đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung toàn bộ các quy phạm pháp luật hiện hành trước khi đưa vào Bộ pháp điển là phù hợp. Bộ pháp điển không có giá trị thay thế cho văn bản gốc, song song tồn tại với nó vẫn có hệ thống văn bản gốc có giá trị pháp lý. Quy định này cũng phù hợp với quy định hiện hành của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật cũng gặp không ít những quan điểm khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, cũng như của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều 5 dự thảo Pháp lệnh quy định: Văn bản hợp nhất được sử dụng chính thức trong áp dụng và thi hành pháp luật. Trường hợp văn bản hợp nhất có nội dung khác với nội dung của văn bản được hợp nhất thì áp dụng nội dung của văn bản được hợp nhất. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định này vừa mâu thuẫn, vừa không nhất quán, vô hình trung đã phủ nhận giá trị của văn bản hợp nhất, làm giảm sự tin tưởng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với việc sử dụng văn bản hợp nhất, mâu thuẫn với nguyên tắc hợp nhất văn bản là bảo đảm tính chính xác về nội dung, thời điểm có hiệu lực thi hành của các quy định trong văn bản được hợp nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa nhìn nhận: Hai dự án Pháp lệnh này chủ yếu xử lý về mặt kỹ thuật, pháp điển thì chỉ tập hợp về hình thức, hợp nhất cũng chỉ là cắt dán, sao chép thành một văn bản chính xác, các cơ quan chủ quản quản lý nhà nước, các cơ quan soạn thảo đều có thể làm việc này một cách đơn giản, vậy có nên đưa vào Pháp lệnh? Nên xem xét, nghiên cứu chỉ cần một Nghị quyết xác định nguyên tắc trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan liên quan để tiến hành thí điểm đánh giá rồi lâu dài mới thực hiện pháp điển.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì cho rằng: Hai pháp lệnh này có mối quan hệ gắn bó với nhau, nên có pháp lệnh hợp nhất văn bản để làm tiền đề cho quá trình pháp điển hóa. Về Pháp lệnh pháp điển thì nên nghiên cứu kỹ việc cho ra đời hay không, hay trước mắt làm thí điểm đã, nên giao cho Chính phủ ra Nghị định để làm thử, khi đủ điều kiện mới làm, lúc đó sẽ pháp điển cả về nội dung và hình thức.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, cơ quan nào ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan đó có trách nhiệm hợp nhất văn bản do mình ban hành. Về pháp điển, nếu chỉ dừng ở pháp điển hình thức, không nhất thiết phải thành lập ban bệ. Năm 2016 mới nên đặt vấn đề pháp điển hình thức, khi đã trở thành nước công nghiệp thì làm pháp điển nội dung và thực hiện điện tử hóa pháp điển để dễ theo dõi, tra cứu. Trước mắt nên ra Nghị quyết để có chủ trương làm thí điểm, phê duyệt chủ đề, làm dần rồi rút kinh nghiệm, vấn đề gì cấp bách sẽ ưu tiên làm trước.
Chu Thanh Vân