Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.
Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải; Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương; thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện các cơ quan hữu quan…
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, xem xét, thông qua dự thảo báo cáo Chuyên đề số 10 về Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các đại biểu cho ý kiến dự thảo báo cáo Chuyên đề số 12 về Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; nghe Tiểu ban số 1 và Tiểu ban số 2 báo cáo tiến độ chuẩn bị báo cáo Chuyên đề thứ 9 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và báo cáo Chuyên đề số 11 về Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, để có cơ sở trình Hội nghị Trung ương 6 xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án, dự kiến tháng 10/2022 trình Hội nghị Trung ương 6.
Đảng đoàn Quốc hội được giao 4 chuyên đề. Để tổ chức thực hiện, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo chung cho 4 chuyên đề.
Tại Phiên họp thứ hai, các thành viên Ban Chỉ đạo nghe kết quả nghiên cứu cũng như tiến độ đối với 4 chuyên đề. Theo đó, Chuyên đề 10 (Tiểu ban 4 phụ trách) có thời hạn nộp chậm nhất là ngày 31/10/2021; ngày 19/10 họp nghiệm thu, sau đó họp lấy ý kiến Đảng đoàn Quốc hội trước khi trình Ban Chỉ đạo Trung ương. Chuyên đề số 12 (Tiểu ban 3 phụ trách), về cơ bản đã xong. Chuyên đề 11 (Tiểu ban 2 phụ trách), theo kế hoạch chậm nhất là cuối năm 2021 phải nộp; đã có dự thảo lần thứ 4. Chuyên đề 9 (Tiểu ban 1), theo kế hoạch hết tháng 1/2022 sẽ phải nộp, đã có quá trình thảo luận xây dựng. Như vậy, trong 4 chuyên đề trên, Chuyên đề 10 đã đến hạn nộp, sau đó là Chuyên đề 12.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các ý kiến phát biểu về triển khai các chuyên đề của các Tiểu ban. Các chuyên đề có quá trình chuẩn bị công phu, khoa học, bài bản, nghiêm túc, cơ bản bám sát tiến độ mà Ban Chỉ đạo Trung ương cũng như kế hoạch do Đảng đoàn Quốc hội ban hành; huy động được trí tuệ, tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong điều kiện giãn cách do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao chất lượng của 4 chuyên đề, đảm bảo cả về lý luận, thực tiễn, giải pháp, kiến nghị, bám sát đề cương; trong đó Chuyên đề 10 và Chuyên đề 12 cần hoàn thiện trước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Trưởng Tiểu ban tiếp tục quán triệt một số nội dung.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Nhà nước pháp quyền là giá trị chung của nhân loại, mô hình nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vừa mang tính phổ quát của nhân loại vừa mang nét đặc thù định hướng XHCN. Do đó, các chuyên đề cần quán triệt, tuân thủ bảo đảm thể hiện rõ nét đặc thù và bám sát quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực này. Cùng với đó, các chuyên đề phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm (2021-2030); giai đoạn sau năm 2030, định hướng đến năm 2045 có tính toán thêm một số nội dung cho phù hợp; quán triệt yêu cầu chung, chỉ đạo chung trong Cương lĩnh của Đảng và trong Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu về tiếp tục đôn đốc tiến độ, bám sát kế hoạch, tăng cường công tác phối hợp kết nối thông tin giữa các Tiểu ban đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, thống nhất trong tổng thể chung của Đề án.
Với Chuyên đề số 10 về Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, các ý kiến phát biểu đánh giá cao tính công phu, nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học. Cơ bản các ý kiến thống nhất sau cuộc họp này cần nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện theo hướng trình Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến thông qua trước khi nghiệm thu chính thức gửi cho Ban Chỉ đạo Trung ương.
Cụ thể, về quyền tư pháp, hoạt động tư pháp và cơ quan tư pháp, Tiểu ban nghiên cứu nội dung đảm bảo tính liên tục của đề tài, quan điểm của Đảng đoàn Quốc hội. Đây là vấn đề cần quán triệt xuyên suốt trong cả lý luận, đánh giá thực tiễn và trong đề xuất mục tiêu, giải pháp, đề xuất, kiến nghị; chưa vội đóng khung, nên nói kết quả nghiên cứu của Đảng đoàn Quốc hội có phân tích từng ưu điểm, nhược điểm của từng phương án đề xuất để tiếp tục hoàn thiện thêm.
Về định hướng dài hơn tới năm 2030, định hướng đến năm 2045, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tiểu ban phụ trách rà soát, tham khảo thêm các chuyên đề khác về cải cách tư pháp để thống nhất các định hướng giải pháp, nhất là các nội dung cải cách tư pháp lớn đã được đề ra trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Về Chuyên đề 12, Chủ tịch Quốc hội đánh giá đã có quá trình xin ý kiến chuyên gia, thảo luận, có cấu trúc tương đối hợp lý, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Tiểu ban phụ trách chú ý trong Điều 119 của Hiến pháp có quy định cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, tính toán thêm, phân tích đánh giá nguyên nhân khách quan, mặt được chưa được đối với các hình thức, phương án đề xuất.
Hai chuyên đề còn lại (Chuyên đề 9 và Chuyên đề 11), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Tiểu ban được phân công tiếp thu ý kiến tiếp tục triển khai.
Sau phiên họp thứ hai, Tiểu ban phụ trách Chuyên đề số 10 hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, báo cáo để tiếp tục nghiên cứu, thảo luận. Sau đó, Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản.
Trước đó, ngày 20/8, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 141 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công.
Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội về xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (Ban Chỉ đạo) họp vào ngày 26/8. Tại Phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Để thực hiện nhiệm vụ này, cần nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045; trong đó có xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực.