Chính vì vậy, phát triển bao trùm đã trở thành một nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự gần đây của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Trong cuộc gặp tại Đà Nẵng vào cuối tuần này, các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ thảo luận sáng kiến của Việt Nam về phát triển bao trùm. Nếu được thông qua, đây sẽ là bước tiến mới trong quá trình hình thành và phát triển của APEC.
Tăng trưởng không phải là đích cuối
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được thành lập ngày 6/11/1989 tại thủ đô Canberra (Australia) với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Để thực hiện mục tiêu trên, trong 28 năm qua, APEC đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp, trong đó có việc tự do hóa thương mại và đầu tư, và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Cụ thể, trong báo cáo sơ kết giai đoạn 2 về tiến bộ của APEC hướng tới các Mục tiêu Bogor của Nhóm hỗ trợ chính sách APEC (PSU), trong hơn 2 thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực APEC luôn cao hơn so với phần còn lại của thế giới. Trong giai đoạn 1994-2014, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân của khu vực này đạt 3%/năm, cao hơn nhiều so với con số 2,5% của phần còn lại trên thế giới. GDP bình quân đầu người ở APEC cũng tăng trung bình 2,2%/năm.
Theo dự báo của PSU, trong giai đoạn 2017-2018, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực có thể sẽ đạt 3,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu.
Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, điều kiện sống của người dân trong khu vực cũng cải thiện đáng kể. Số lượng người nghèo đói trong khu vực cũng giảm hơn 802 triệu người trong giai đoạn 1993-2002. Số lượng người cực nghèo cũng giảm 83,5%, từ 842 triệu người xuống 139 triệu người, trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, theo thống kê của PSU, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực năm 2013 đứng ở mức 4,9%, cao hơn so với con số 4,4% năm 2007. Điều này cho thấy mặc dù tự do hóa thương mại và đầu tư đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và sự thịnh vượng ở các nền kinh tế APEC nhưng việc mở cửa cũng tạo ra thất nghiệp mang tính cơ cấu. Điều đáng tiếc là những người lao động có kỹ năng thấp kém hoặc trung bình, vốn là những người ít có khả năng thích nghi nhất với thất nghiệp mang tính cơ cấu, lại là những người chịu nhiều tác động tiêu cực nhất.
Giới phân tích dự báo thất nghiệp cơ cấu ở các nền kinh tế thành viên APEC có thể gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới và nhiều người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội việc làm do tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Xuất phát từ thực tế đó, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017, cho rằng "tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống người dân, nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng".
Phát biểu trước các đại diện đến từ các nền kinh tế thành viên APEC tại một hội thảo về tăng trưởng bao trùm ở TP. Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 8/2017, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói: “Chúng ta không thể theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá mà không biết ai sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng đó bền vững thế nào về xã hội, kinh tế và tài chính... Tăng trưởng sẽ không bền vững và không thể đạt ngưỡng tối đa nếu không bảo đảm tính bao trùm”.
Và cách tiếp cận mới của APEC
Theo PSU, khái niệm về "tính bao trùm" của toàn cầu hóa lần đầu tiên được APEC nêu ra trong tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 2 ở Indonesia năm 1994. Sau đó, khái niệm này tiếp tục được đề cập tới trong các tuyên bố chung của APEC. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo APEC chỉ đề cao việc bảo đảm tính bao trùm và bền vững của tăng trưởng khu vực tại những hội nghị gần đây.
Mới đây nhất, trong tuyên bố chung phát hành sau cuộc họp tại Lima (Peru) tháng 11/2016, các nhà lãnh đạo đã APEC kêu gọi thúc đẩy phát triển bao trùm hiệu quả về kinh tế, tài chính và xã hội đối với phụ nữ, người cao tuổi, thanh niên, các cộng đồng nông thôn cũng như các đối tượng thiệt thòi, dễ tổn thương.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng “hợp tác APEC về (phát triển) bao trùm còn rải rác và thiếu sự phối hợp thỏa đáng”, và “APEC chưa hình thành các chính sách toàn diện để thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong khi ba lĩnh vực này tùy thuộc và bổ trợ lẫn nhau”.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định APEC cần có cách tiếp cận chiến lược và toàn diện đối với bao trùm. Một chương trình hành động APEC toàn diện trên ba trụ cột bao trùm sẽ mang lại những giá trị to lớn.
Theo dự kiến, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 ở Đà Nẵng, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ thảo luận về Chương trình hành động về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội. Đây là một sáng kiến do Việt Nam đề xuất tại hội nghị này.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề kỳ họp thứ 4 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) tại Đà Nẵng hồi đầu tuần này, ông David Toua, Chủ tịch ABAC năm 2018, nói: “Tăng trưởng bao trùm rất quan trọng đối với rất nhiều nền kinh tế trong APEC. Rất nhiều trong số 21 nền kinh tế thành viên APEC đã ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến này”.
Giới phân tích nhận định nếu được thông qua, sáng kiến của Việt Nam sẽ tạo ra một bước tiến mới trong tiến trình hợp tác APEC. Sáng kiến này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và thịnh vượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Với một khuôn khổ chung như vậy, APEC sẽ có thể xác định được những giải pháp liên ngành nhằm giải quyết vấn đề bao trùm một cách hiệu quả thông qua phối hợp chặt chẽ, nỗ lực hơn của các nền kinh tế thành viên, nâng cao năng lực thể chế, pháp lý thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển bao trùm, đề xuất các biện pháp để quản lý quá trình chuyển đổi”, ông Sơn nói.