Theo dõi Kỳ họp, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Bắc Giang bày tỏ đồng tình, ủng hộ về sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Qua đó, đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Cho rằng việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện nay, ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) cho biết, trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này có nhiều điểm mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. Bởi sau khi Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 đã chỉ ra một số vấn đề bất cập của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang thực hiện. Cụ thể: chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước giai đoạn hiện nay; đồng thời chưa đáp ứng triệt để trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Tán thành cao với việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng tăng phân cấp, phân quyền, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho rằng, việc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, thực hiện đúng chủ trương “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” là nội dung mang tính đột phá để khắc phục những hạn chế mà Luật đang thực hiện chưa khắc phục được. Đó là tình trạng không “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, khi quyết thì chung chung, khi vi phạm luật thì tập thể chịu, không thể quy cho ai là người chịu trách nhiệm. Mặt khác, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, điều hành.
Việc quy định các nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương tại Luật này và các luật chuyên ngành, bảo đảm mục tiêu ‘‘mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một cấp chính quyền địa phương thực hiện’’, ‘‘chính quyền địa phương cấp nào giải quyết sát thực tiễn, hiệu quả hơn thì giao chính quyền địa phương cấp đó thực hiện’’.
Theo ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, dự thảo Luật đã kế thừa một số nguyên tắc, quy định của Luật hiện hành. Đồng thời bổ sung một số nguyên tắc, quy định như: Chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành chiến lược, chính sách trên địa bàn; Chính quyền địa phương các cấp tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định các vấn đề của địa phương đã được luật quy định; mở rộng chủ thể được phân cấp, ủy quyền và chủ thể nhận phân cấp, ủy quyền nhằm tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao… Như vậy, người đứng đầu chính quyền, nhất là Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm, quyền hạn quyết sách một số vấn đề phân quyền; chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, cũng như công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Do đó đòi hỏi người đứng đầu phải có tâm, có tầm, năng lực, trình độ thực sự mới đảm bảo gánh vác nhiệm vụ, trọng trách trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ông Nguyễn Trọng Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc sửa đổi Luật với đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ, các nội dung sửa đổi đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước Trung ương với địa phương và giữa cơ quan các cấp của chính quyền địa phương.
Đánh giá cao điểm mới trong tư duy xây dựng dự án Luật lần này, ông Nguyễn Trọng Nam cho biết, Luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, cơ bản, tạo điều kiện đảm bảo sự ổn định và giá trị bền vững của dự án luật. Cùng với đó, đảm bảo linh hoạt trong điều hành thực tiễn của hệ thống hành chính nhà nước.
Ông Nguyễn Trọng Nam nêu rõ, việc tăng cường phân cấp, phân quyền trong sửa đổi Luật sẽ tránh được tồn tại hiện nay như: Khi các địa phương triển khai nhiệm vụ thấy không phù hợp phải có văn bản hỏi cấp trên, mất nhiều thời gian… Tuy nhiên, tăng cường phân cấp, phân quyền cần gắn với cơ chế để kiểm soát, đảm bảo cơ chế phân cấp, phân quyền đạt hiệu quả tốt nhất, tránh việc tha hóa quyền lực. “Để tránh lạm quyền, Chính phủ cần quy định về phương thức giám sát, kiểm tra; giao quyền cho người thực hiện đi kèm với công khai, minh bạch, giải trình. Khi đó, người thực thi sẽ phát huy được năng lực, sáng tạo" - ông Nguyễn Trọng Nam đề xuất.
Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp được quy định trong dự thảo Luật, bà Trịnh Thị Khương, Phó Chủ tịch HĐND phường Đồng Sơn (thành phố Bắc Giang) cho rằng, các quy định này nhằm bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND; đồng thời, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Theo bà Trịnh Thị Khương, nên bổ sung vào dự thảo việc phân bổ ngân sách độc lập cho HĐND ở các cấp nhằm nâng cao hoạt động và phát huy vai trò giám sát; đồng thời nâng cao tiêu chuẩn đại biểu dân cử, cụ thể về trình độ văn hóa...