Phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong xây dựng và phát triển đất nước - Bài 1: Cội nguồn thắng lợi vĩ đại

Hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đoàn kết là cội nguồn sức mạnh và truyền thống quý báu, giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao thách thức, biến cố và viết nên những trang sử chói lọi.

Chú thích ảnh
Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. Ảnh: TTXVN

Thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống đoàn kết càng được kế tục và phát huy cao độ. Sức mạnh đó đã giúp Cách mạng tháng Tám thành công, kết thúc hơn 80 năm cả dân tộc sống trong tủi nhục, hờn căm dưới xiềng xích đô hộ của thực dân Pháp, đánh đuổi phát xít Nhật ra khỏi đất nước, lật đổ chế độ phong kiến và khai sinh ra nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Hiện nay, đoàn kết tiếp tục là động lực mạnh mẽ của dân tộc trên con đường xây dựng, bảo vệ, phát triển và đổi mới đất nước.

Bài 1: Cội nguồn thắng lợi vĩ đại

Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã kết thúc đêm trường nô lệ của cả dân tộc và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thành công của cuộc cách mạng vĩ đại này chỉ có thể bởi lòng yêu nước thiết tha cháy bỏng của người dân Việt Nam và sức mạnh như “sức nước” của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ.

Dưới chiêu bài “khai hóa văn minh”, năm 1867, thực dân Pháp xâm lược nước ta đã thực thi một chính sách hai mặt rất thâm độc. Vừa tìm mọi cách chia cắt đất nước, chia rẽ và khoét sâu những xung đột nội bộ trong lòng dân tộc Việt Nam hòng phân tán lực lượng để dễ bề cai trị, mặt khác, chúng lại thống nhất bộ máy thuộc địa toàn Đông Dương nhằm xóa bỏ vĩnh viễn Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Trước họa vong quốc, các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dấy lên liên tục và mạnh mẽ theo nhiều khuynh hướng tư tưởng, con đường khác nhau, nhưng rồi đều thất bại. Nguyên nhân chung là do không thu hút hết thảy lực lượng quần chúng tham gia, lại thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một học thuyết khoa học tiên tiến soi đường.

Bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam mở ra khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc sau bao năm bôn ba đã tiếp cận Luận cương của V.I. Lenin, từ đó hình thành nên con đường đưa đất nước thoát khỏi đêm dài nô lệ. Rồi chính Người đã sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Sự ra đời của Đảng với hệ thống tổ chức chặt chẽ và cương lĩnh đúng đắn đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về lãnh đạo cách mạng kéo dài mấy chục năm đầu thế kỷ XX.

Ngọn lửa chiến đấu của thời đại đấu tranh dân tộc đã được Đảng ta nhóm lại, dấy lên bằng các cao trào cách mạng sôi nổi trên phạm vi cả nước, lôi cuốn hàng triệu quần chúng công nhân, nông dân tham gia và quy tụ những tầng lớp yêu nước khác.

Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra. Nhìn rõ những biến chuyển nhanh và sâu sắc của tình hình thế giới và trong nước, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VIII năm 1941, Đảng ta đã xác định đây là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, nhưng trước mắt tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Cũng tại Hội nghị, một trong những quyết định quan trọng nhất, trực tiếp liên quan đến việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, chuẩn bị lực lượng toàn diện cho cuộc vùng lên tự giải phóng, chính là quyết định thành lập mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh (Việt Minh).

Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ của Việt Minh nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Tuyên ngôn nêu rõ “chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”. Như vậy, khối đoàn kết dân tộc đã được hình thành, mở rộng và củng cố.

Giữa tháng Tám năm 1945, từ mảnh đất Tân Trào lịch sử, khi Lệnh Tổng khởi nghĩa phát ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Tổng bộ Việt Minh ra hiệu triệu: “Trước cơ hội có một không hai này, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân”.

Đáp lời kêu gọi hào hùng đó, cả dân tộc Việt Nam “nhất tề đứng lên” tạo thành một sức mạnh to lớn, muôn người như một đồng lòng giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công rực rỡ.

Ngày 2/9/1945, tại Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Đánh giá ý nghĩa thành công của Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Sau Ngày Độc lập, đất nước trải qua bao biến động hào hùng, gian khổ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hai cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc kéo dài suốt ba thập niên, mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa kết thúc, cả dân tộc lại bước vào những cuộc chiến đấu chính nghĩa nơi phên dậu phía Tây Nam, nơi biên cương phía Bắc và nơi biển đảo phía Đông để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chặng đường vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa bảo vệ nền độc lập non trẻ ấy, đất nước lại hơn mười năm chịu sự tác động, ảnh hưởng của bao vây, cấm vận và những khó khăn, trì trệ từ kinh tế - xã hội.

Thế nhưng, bằng sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết, bằng máu, bằng mồ hôi của lớp lớp người Việt Nam, đất nước đã vượt qua muôn vàn áp lực, khó khăn, thách thức. Một dải bờ cõi, tiền tiêu của Tổ quốc được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được bảo đảm. Trên chặng đường gian khó mà hào hùng đó, Đảng ta luôn xác định: Đoàn kết là một chính sách dân tộc, là phương pháp cách mạng, là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Luồng gió đổi mới từ năm 1986 đến nay tiếp tục được Đảng kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết, “lấy dân làm gốc” đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế liên tục tăng trưởng, xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói. Đất nước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết và tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng, thế và lực của quốc gia được tăng cường. Cũng vì thế, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng ngày càng được củng cố.

Trên chặng đường xây dựng và phát triển hiện nay, đất nước đang đứng trước những vận hội đi kèm thách thức. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, một lần nữa, tinh thần đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc và phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong sự nghiệp được Đảng ta quán triệt, vận dụng và nâng lên tầm cao mới. Lợi ích quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân được Đảng, Nhà nước đặt lên trên hết, trước hết. Điều đó có thể thấy rất rõ tại Ðại hội XIII của Ðảng đã nhấn mạnh việc thực hiện có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Đặc biệt, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đang hiện hữu rất rõ ở cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 qua Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài của Tổng Bí thư về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trong tình hình hiện nay, sự đoàn kết và phối hợp hành động toàn cầu là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho chiến thắng cuối cùng của thế giới trước đại dịch này”.

Bài 2: “Thế trận lòng dân” quy tụ sức mạnh toàn dân tộc 

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: Cội nguồn thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945
Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: Cội nguồn thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945

Cách mạng tháng Tám tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân tộc. Cuộc cách mạng lấy dân làm gốc, đoàn kết, tập hợp nhân dân, "lấy sức ta giải phóng cho ta", đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Nhờ gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân, Ðảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN