Tâm đắc với Nghị quyết nêu ra, PGS.TS, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Một trong những trọng tâm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh là phát triển văn hóa đồng thời với phát triển sức mạnh, tiềm năng con người.
Thực tế, trong những năm qua, phát triển giữa kinh tế và văn hóa có khoảng cách. “Đất nước đã có những bước tiến ngoạn mục về kinh tế - xã hội, trong khi đó, lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực văn học nghệ thuật còn nhiều điều cần cố gắng hơn nữa. Cái gốc của vấn đề này là tiềm năng, sức mạnh của con người. Chính vì vậy, ngay trong Báo cáo chính trị đặt vấn đề phát triển con người một cách toàn diện và kỳ vọng vào giới văn học, nghệ thuật có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật”, PGS.TS Đỗ Hồng Quân bày tỏ.
Theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, để có được những tác phẩm có giá trị, ngoài tài năng cần có sự động viên, khuyến khích, hỗ trợ để phát huy được sự tự do sáng tạo cá nhân. Nhấn mạnh đây là điểm rất mới, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhìn nhận thấu đáo, rõ ràng, khẳng định việc tôn trọng sự sáng tạo cá nhân của mỗi tác giả, mỗi văn nghệ sỹ và khuyến khích sự sáng tạo đó là một trong những điểm mấu chốt để có được những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao.
“Bên cạnh đóng góp của văn nghệ sỹ vào công cuộc đổi mới chung của đất nước, giá trị của văn học nghệ thuật không chỉ giúp cho thế hệ hôm nay mà còn định hướng cho những thế hệ tiếp theo, ươm mầm ngay từ thiếu niên, nhi đồng để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có thể lực, trí lực và có tình yêu đối với đất nước. Đây là nhiệm vụ rất cao cả và thiêng liêng đối với giới văn học nghệ thuật", nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân thừa nhận một số sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt nghệ thuật, tư tưởng. Có tác phẩm chưa thật đào sâu những đề tài của xã hội, vấn đề cốt lõi của đời sống, của nhân dân và phản ánh một cách sơ sài. Một vấn đề nữa cần báo động là xu thế nghiệp dư hóa trong hoạt động sáng tạo, hạ thấp giá trị nghệ thuật và đi theo xu hướng giải trí đơn thuần.
"Khi chỉ là giải trí đơn thuần thì chỉ tính những gì bắt mắt, hấp dẫn. Đơn cử trong lĩnh vực âm nhạc thiếu đi những bài hát có giá trị cao về mặt tình cảm, sáng tạo và thường chỉ theo dòng âm nhạc đương đại như hip-hop, nhạc pop... Điều đó làm cho đời sống văn nghệ một phần nào đó bị nông cạn", nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân phân tích.
Chính vì vậy, cần phải có "sức đề kháng" trước những hiện tượng, sản phẩm độc hại, đi ngược lại trào lưu âm nhạc tiến bộ đồng thời nâng cao sức đề kháng đối với độc giả nói chung, đặc biệt là giới trẻ. Nếu không có sức đề kháng, không biết phân biệt cái đẹp, cái xấu, cái đúng, cái sai sẽ bị nhiễm độc lúc nào không biết. Đây là yêu cầu cũng như những đường hướng lớn, chính xác, khoa học và cụ thể, góp phần xây dựng con người, phát triển văn hóa lớn mạnh.
Nhằm triển khai sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, song hành với phát triển kinh tế cần gắn liền với phát triển nguồn nhân lực, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh góp phần đưa đất nước phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.