Nhân Hội nghị Ngoại vụ 20:

Phát huy 'cánh tay nối dài' của các địa phương trong hợp tác kinh tế quốc tế

Ngày 13/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với tham dự của các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đại diện lãnh đạo một số địa phương, doanh nghiệp.

Bên lề hội nghị, một số đại sứ Việt Nam ở nước ngoài đã có những trao đổi, chia sẻ quan điểm nhằm nâng cao công tác ngoại vụ, kết nối hiệu quả giữa các địa phương, doanh nghiệp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong tìm kiếm thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài.

Chú thích ảnh
Các điểm cầu dự hội nghị Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động “đặt hàng”

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lấy phát triển làm trung tâm đã đặt ra những đòi hỏi cao hơn đối với ngành Ngoại giao trong công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ doanh nghiệp, địa phương. Hiện nay, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam trước khi ra nước ngoài đều đã gặp nhiều bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, địa phương để lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu.

Trong dịp dự hội nghị lần này, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết ông đã có cơ hội gặp gỡ rất nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương. Theo Đại sứ, đây là dịp rất tốt để hai bên cung cấp thông tin cho nhau. “Về phía doanh nghiệp địa phương, họ sẽ cung cấp cho chúng tôi nhu cầu, thế mạnh của họ, họ có gì cung cấp cho đối tác. Chúng tôi sẽ cung cấp cho doanh nghiệp và địa phương thế mạnh của địa bàn, những gì họ cần từ phía chúng tôi”, Đại sứ chia sẻ.

Cho rằng đại dịch COVID-19 vừa mang đến những thách thức song cũng lại mang đến những cơ hội, cách làm mới trong công tác ngoại giao kinh tế, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động trực tuyến, cùng một lúc có nhiều đầu mối tham gia. Ví dụ như, đàm phán mua máy thở phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 ở trong nước. Trước đây, trong nước phải cử đoàn sang, bạn cử đoàn vào. Lần này, Đại sứ quán đứng ra tổ chức đàm phán ba bên, gồm đại diện của Bộ Y tế, trong đó có lãnh đạo Bộ, các vụ, viện liên quan; bên kia là đối tác và thứ ba là đại sứ quán. Ba bên cùng ngồi với nhau, xử lý thông tin tại chỗ hiệu quả và trở thành cơ chế, nền nếp trao đổi hiệu quả.

Qua thực tế công tác tại nước sở tại Hoa Kỳ, một thị trường có tính cạnh tranh cao hàng đầu thế giới, Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh các địa phương, doanh nghiệp cần phải chủ động vươn ra bên ngoài, nêu yêu cầu với các cơ quan đại diện. “Đây là cuộc cạnh tranh quyết liệt khi các đối tác, các địa phương nước khác “xông vào” Hoa Kỳ. Địa phương của Việt Nam cần gỡ bỏ tâm lý chờ bên ngoài đến với mình, mình cần đến với họ và thuyết phục họ khi họ có rất nhiều lựa chọn”, Đại sứ chia sẻ.

Theo Đại sứ, có những địa phương làm rất tốt công việc này như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương… “Sự chủ động của địa phương và doanh nghiệp là nhân tố quyết định thành công trong thời kỳ cạnh tranh quyết liệt này”, Đại sứ nói. Theo Đại sứ, tiềm năng của các địa phương Việt Nam rất lớn, mỗi địa phương đều có thế mạnh. Vấn đề ở đây là làm thế nào để địa phương kết nối với địa phương? Chính quyền Trung ương, các cơ quan đại diện đóng vai trò hỗ trợ, nhưng chỉ khi các địa phương đi vào hợp tác với nhau thì mới tạo nền tảng vững chắc. Việc thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương sẽ là xu thế tới đây cần được thúc đẩy nhiều hơn.

Đại sứ cho biết thêm, Hoa Kỳ đang rất quan tâm đến năng lượng xanh, năng lượng tái tạo vì nằm trong chiến lược của chính quyền hiện nay. Khi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được hưởng khuyến khích và ưu đãi.

Các địa phương cần có chiến lược và cách tiếp cận bài bản

Cho biết Liên minh châu Âu (EU) là một khối với 27 thành viên, là Đối tác và Hợp tác toàn diện của Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh các địa phương Việt Nam có thể hợp tác về tất cả các mặt, trong đó kinh tế là lĩnh vực trọng tâm. Để hợp tác với EU, theo Đại sứ, các địa phương cần có chiến lược và cách tiếp cận bài bản, cụ thể. Theo đó, muốn thúc đẩy thương mại và đầu tư với EU, địa phương cần xác định thế mạnh, sản phẩm chủ lực của mình. Và không chỉ là sản phẩm chủ lực, các địa phương cũng cần quan tâm những sản phẩm đó có thu hút thị trường châu Âu hay không. Có như vậy mới có cách tiếp cận hợp lý.

Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết châu Âu là thị trường tiêu chuẩn cao, Việt Nam có thuận lợi hết sức cơ bản là hiệp định thương mại tự do, nhưng để vào được EU, các bộ, ngành cần giúp các địa phương sau khi xây dựng được sản phẩm, lĩnh vực đầu tư, cần có kế hoạch tổng thể, bài bản, nêu rõ điểm mạnh, từng bước triển khai, và có đầu tư thích đáng về con người, trí tuệ, kinh phí. Khi triển khai, cần có tầm nhìn dài hạn. “Làm với châu Âu không chỉ có một hợp đồng mà cần xác định dài hạn, được như vậy mới có hiệu quả. Hợp tác được với EU sẽ mang lại tính hiệu quả cao và sự bền vững”, Đại sứ nói.

Đại sứ cho biết thêm, EU có 27 nước thành viên, trong đó Việt Nam có 15 cơ quan đại diện. Theo Đại sứ, đây là cánh tay nối dài của các địa phương để thúc đẩy hợp tác kinh tế với các địa phương. Các địa phương cần hợp tác chặt chẽ với những cơ quan đại diện của Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện của EU tại Việt Nam cũng là những đầu mối mà các địa phương nên bám sát, thúc đẩy hợp tác.

Một trong những kênh hợp tác hết sức quan trọng với EU là sự hiện diện của hơn 1.000 doanh nghiệp lớn đã và đang làm ăn ở Việt Nam. Họ hiểu Việt Nam và dễ tiếp cận mở rộng hợp tác của các địa phương với EU. Chúng tôi rất mong muốn có sự liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp. Các địa phương cần liên kết với nhau, cùng xây dựng một sản phẩm chung, thương hiệu chung mang tên Việt Nam để chương trình tiếp cận vào EU sẽ hiệu quả và phù hợp hơn -  Đại sứ Nguyễn Văn Thảo chia sẻ.

Nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài trong đại dịch

Nhấn mạnh các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Thụy Sĩ rất mong mỏi được quay trở lại Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan cho biết vừa qua, trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã cố gắng tiếp tục thúc đẩy kết nối với các địa phương, rất nhiều các tập đoàn Thụy Sĩ bày tỏ quan tâm đến đầu tư hoặc tiếp tục quan tâm đầu tư vào Việt Nam.

Đại sứ Lê Linh Lan cũng cho biết thêm, trong bối cảnh đại dịch 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã thúc đẩy, tổ chức một đoàn doanh nghiệp vào Việt Nam, cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh do nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rösler, tháng 11/2020 và đã gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng quyết định đầu tư 350 triệu USD vào lĩnh vực du lịch, lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp công nghệ và y tế. Tiếp nối thành công đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã hoàn tất thủ tục bổ nhiệm ông Philipp Rösler trở thành lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ. Ông Philipp Rösler đã cam kết sẽ xây dựng cầu nối cung cầu mới, làm sao kết nối với doanh nghiệp châu Âu, với Việt Nam, doanh nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ, Áo và Đức để thu hút đầu tư đến Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Đại sứ Lê Linh Lan nghĩ không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, mà các địa phương khác, và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế bình thường để các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư được vào lại Việt Nam. Đại sứ cho biết bà đã nhận được rất nhiều yêu cầu, đề nghị của các doanh nghiệp Thụy Sĩ và châu Âu mong muốn quay trở lại Việt Nam để thăm thực tế, tìm kiếm những cơ hội đầu tư. “Đây thực sự là một nhu cầu rất cấp bách”, Đại sứ nhấn mạnh và cho rằng việc nối lại hoạt động bay thương mại quốc tế sẽ có ý nghĩa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội hậu đại dịch.

Phương-Diệp-Đức (TTXVN)
Chuyên gia Indonesia đánh giá cao những thành tựu đối ngoại của Việt Nam
Chuyên gia Indonesia đánh giá cao những thành tựu đối ngoại của Việt Nam

Ông Veeramalla Anjaiah - nhà báo cao cấp của tờ Jakarta Post đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) của Indonesia - đã đánh giá rất cao những thành tựu về đối ngoại của Việt Nam sau 35 năm Đổi mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN