Thượng nghị sĩ Catherine Deroche khẳng định Pháp rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược gắn kết với Việt Nam từ năm 2013 và chính phủ luôn tạo điều kiện thực hiện nhiều dự án. Bà cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay cũng như trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), có rất nhiều thách thức khiến hai nước cần phải tăng cường mối liên kết, không chỉ trong lĩnh vực y tế, mà còn là năng lượng, môi trường, giao thông hay thành phố bền vững. Hai nước có thể dựa vào mối quan hệ hợp tác lâu dài vốn đã rất phát triển để hiện thực hóa các dự án mới. Hội nghị hợp tác phi tập trung tiếp theo sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm 2022 là một dịp quan trọng để đề cập vấn đề này.
Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt của Thượng viện nêu rõ thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn là ưu tiên hàng đầu của Pháp. Cơ quan Phát triển Pháp đã đóng góp cho nhiều dự án trong lĩnh vực này, liên quan đến phát triển đô thị bền vững, quản lý nguồn nước, quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ và nâng cao giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên, bảo trợ xã hội, điều kiện làm việc tốt và y tế. Các trung tâm nghiên cứu của Pháp phục vụ cho chính sách bảo vệ môi trường và đa dạng sinh thái như Viện Nghiên cứu và phát triển (IRD) và Trung tâm Hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp vì phát triển (CIRAD) hiện đang có nhiều chương trình tại Việt Nam. Một trục quan trọng khác trong mối quan hệ song phương cần được tăng cường liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra, hợp tác văn hóa cũng cần tiếp tục được phát triển phù hợp với các hoạt động mà Viện Pháp đã thực hiện, vì nó minh chứng cho lịch sử lâu dài gắn kết hai nước Pháp và Việt Nam.
Thượng nghị sĩ Catherine Deroche đánh giá chuyến thăm chính thức CH Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu cho việc nối lại các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước sau một thời gian đình trệ do dịch bệnh COVID-19. Trong năm 2018, hai nước đã có một loạt các cuộc tiếp xúc song phương đặc biệt ở cấp cao nhất, với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3/2018), sau đó là chuyến thăm của Thủ tướng Édouard Philippe (tháng 11/2018). Những chuyến thăm này đã giúp hai nước vạch ra một lộ trình đầy tham vọng, được nêu trong Tuyên bố chung Pháp - Việt và được hiện thực hóa bằng việc ký kết nhiều thỏa thuận và hợp đồng, thể hiện mối quan hệ đối tác chiến lược được tăng cường chưa từng có trên mọi phương diện. Sự năng động này đang được tiếp tục duy trì.
Năm 2023 sẽ diễn ra các sự kiện song phương quan trọng, góp phần tăng cường và củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, bao gồm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.
Về cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt của Thượng viện đánh giá Việt Nam đã xử lý đặc biệt tốt các đợt dịch đầu tiên, nhưng tình hình xấu đi sau sự xuất hiện của biến thể Delta. Bà nhấn mạnh chỉ có cách tiếp cận công bằng với vaccine phòng bệnh trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là bảo vệ nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao nhất, mới có thể giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế. Thượng nghị sĩ Catherine Deroche lưu ý Pháp đã cung cấp hơn 670.000 liều vaccine cho Việt Nam qua cơ chế COVAX. Trước mắt, việc tặng vaccine sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để giúp đẩy nhanh các chiến dịch tiêm chủng trên toàn thế giới, ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các biến thể mới. Về lâu dài, cần phải phát triển hợp tác trong lĩnh vực y tế. Đây cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác sâu rộng trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam với nhiều hình thức như trao đổi giữa trường đại học, cung cấp thiết bị y tế, quan hệ đối tác giữa các tổ chức...
Thượng nghị sĩ Catherine Deroche cho rằng cuộc khủng hoảng liên quan đến đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại song phương vẫn được hỗ trợ sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Những thay đổi về kinh tế, công nghiệp và xã hội của Việt Nam, nền kinh tế đang phát triển, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu, nhu cầu mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và sự phát triển của khu vực tư nhân khiến Việt Nam trở thành một đối tác thương mại tiềm năng. Cơ hội đang mở ra cho các doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực năng lượng, hàng không, môi trường và hậu cần. Nhờ mối quan hệ hợp tác lâu dài và đa dạng, Pháp đã tạo ra những mối liên kết đặc biệt với Việt Nam, giúp Việt Nam hiện thực hóa các dự án thương mại mới. Nổi bật trong số đó là công trình xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 3 ở Hà Nội - là ví dụ tiêu biểu về thế mạnh của các công ty Pháp trong lĩnh vực giao thông đô thị. Hợp tác Pháp-Việt cũng đã được thể hiện mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bàn về chính sách của EU nói chung và Pháp nói riêng hướng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó các nước Đông Nam Á và Việt Nam là cửa ngõ, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt của Thượng viện đánh giá khu vực này đang ngày càng khẳng định vai trò không gian chiến lược của thế kỷ 21. Trọng tâm kinh tế toàn cầu đã chuyển sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các tuyến thương mại đường biển qua đây đã trở nên nhộn nhịp. Khu vực này cũng rất dễ bị tổn thương trước các thách thức về môi trường và khí hậu. Trong một bối cảnh như vậy, Pháp đặt mục tiêu thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể và ổn định, dựa vào pháp quyền và bác bỏ mọi hình thức bá quyền. Pháp mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với các thể chế khu vực, củng cố quyền tự chủ chiến lược của các đối tác ở Đông Nam Á và đóng góp vào chính sách giữ gìn an ninh môi trường.
Thượng nghị sĩ Catherine Deroche nhấn mạnh với Việt Nam, Pháp vẫn rất chú ý đến tình hình Biển Đông và kiên định quan điểm giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải và hàng không theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển1982.