‘Nóng’ ngày 19/8: Bão số 4 gây nhiều thiệt hại; người dân chen chúc đi lễ Phủ Tây Hồ

Bão số 4 đã khiến 6 người chết, hơn 330 nhà bị hư hỏng, hơn 550 ha lúa hoa màu bị thiệt hại; dòng người chen chúc đi lễ Phủ Tây Hồ ngày đầu tháng 7 âm lịch; Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng cao cảnh giác với COVID-19… là những tin được quan tâm trong ngày 19/8.

Bão số 4 khiến 6 người chết, hơn 330 nhà bị hư hỏng, hơn 550 ha lúa hoa màu bị thiệt hại

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến trưa 19/8, bão số 4 đã làm ít nhất 6 người chết, hơn 330 ngôi nhà hư hỏng, gần 600 ha hoa màu thiệt hại.

Chú thích ảnh
Mưa lớn kéo dài, nhiều nơi ở Lào Cai đã xảy ra sạt lở đất khiến 1 người chết, 2 người mất tích và 3 người bị thương. Ảnh: TTXVN phát

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết: Mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đã làm 6 người chết (Vĩnh Phúc 2 người, Lào Cai 1 người, Sơn La 1 người, Lai Châu 1 người, Thái Nguyên 1 người). Trong đó có trường hợp người dân tử vong do đất đá sạt lở vùi lấp khi trông lán trên nương tại huyện Tam Đường (Lai Châu) hay bị nước cuốn trôi khi đi qua cống tại TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc).

Mưa lũ cũng khiến 334 nhà bị hư hỏng hoặc phải di dời khẩn cấp (Sơn La 48 nhà, Thái Nguyên 33 nhà, Hà Giang 97 nhà, Cao Bằng 5 nhà, Lào Cai 30 nhà, Điện Biên 142 nhà); 556 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; nhiều tuyến đường tỉnh, liên xã bị sạt lở với tổng chiều dài 1.960 m, khoảng 65.100 m3 đất đá sạt lở.

Mặc dù khi đổ bộ, bão số 4 không gây gió lớn, nhưng lại gây mưa lớn trên diện rộng, cần khẩn trương ứng phó bởi mưa lớn gây nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Nguy cơ này càng lớn bởi mưa lớn trong 3 ngày qua đã khiến đất tại các tỉnh miền núi ngậm “no” nước, có thể bục vỡ bất cứ lúc nào.

Người dân chen chúc đi lễ Phủ Tây Hồ ngày đầu tháng 7 âm lịch

Chú thích ảnh
Trưa 19/8, rất đông người dân tập trung tại sân Phủ Tây Hồ, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Trưa 19/8 (mùng 1 tháng 7 âm lịch), trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp và thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản, chỉ đạo tạm dừng các hoạt động tập trung đông người thì dòng người vẫn chen nhau đến lễ Phủ Tây Hồ. Nhiều người trong đó không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách.

Đến chiều 19/8, quận Tây Hồ (Hà Nội) đã chỉ đạo UBND phường Quảng An tạm đóng cửa Phủ Tây Hồ. Thời gian tới, nếu lượng người đổ về phủ đông thì quận sẽ chỉ đạo tiếp tục đóng cửa Phủ Tây Hồ để phòng dịch.

Chiều 19/8, Việt Nam thêm 4 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2 nhân viên y tế

Tính đến 18 giờ ngày 19/8, Việt Nam có thêm 4 ca mắc mới COVID-19 (BN990-993), trong đó 2 ca tại Đà Nẵng, 1 ca tại Quảng Nam và 1 ca tại Hải Dương.

Tính đến 18 giờ ngày 19/8, Việt Nam có tổng cộng 993 ca mắc COVID-19. Trong đó có 653 ca do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 513 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 81.585, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 3.350; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 22.360; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 55.875 trường hợp.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 với lãnh đạo Sở Y tế các địa phương trong cả nước chiều 19/8 tại Hà Nội, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Dù chúng ta đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương khác, nhưng Bộ Y tế nhận định tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài và xuất hiện các chùm ca bệnh, ca bệnh tại cộng đồng. Do đó, các địa phương phải nâng mức cảnh giác ở mức cao nhất để phát hiện sớm, kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, nhờ triển khai các biện pháp quyết liệt, chưa từng có tiền lệ nên các ổ dịch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai biện pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Về tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán “Thế giới bò tươi” - nơi có ca bệnh 867 là khoảng ngày 25-27/7. Từ địa điểm này, dịch lây lan ra cộng đồng. Hiện đã ghi nhận 11 trường hợp mắc COVID-19, trong những ngày tới có thể có thêm ca mắc mới.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, tới đây vẫn sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng. Đó là điều chúng ta cần lưu ý, việc kiểm soát COVID- 19 tại các cơ sở y tế luôn được quán triệt thực hiện. Các địa phương phải chuẩn bị cho tâm thế dịch sẽ kéo dài, nếu như không có vắc xin cuộc chiến chống dịch sẽ rất khó khăn…

Liên quan đến vấn đề vắc xin ngừa COVID-19, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long cho biết sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có vắc xin.

Hà Nội buộc dừng hoạt động nhà hàng, quán ăn nếu không thực hiện giãn cách

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội phải thực hiện nghiêm quy định về giãn cách; các cơ sở nhỏ lẻ không đáp ứng được quy định phòng dịch, không thực hiện thì buộc phải dừng hoạt động.

Chiều 19/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội ghi nhận 1 ca nghi nghiễm vi rút SARS-CoV-2 (người này ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, về chữa bệnh ở bệnh viện E (Cổ Nhuế, Hà Nội), sau đó về nhà người thân ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)). Trường hợp này đã có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Lãnh đạo TP Hà Nội lưu ý các cơ quan, đơn vị hạn chế hội họp, đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng dịch; tiếp tục xử lý dứt điểm các ổ dịch; ngăn chặn lây lan dịch bệnh ở các cơ sở y tế...

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
'Nóng' ngày 18/8: Hà Nội có công điện khẩn chống dịch; đề xuất bỏ phương án 'điện một giá'
'Nóng' ngày 18/8: Hà Nội có công điện khẩn chống dịch; đề xuất bỏ phương án 'điện một giá'

Hà Nội ban hành công điện khẩn chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19; Việt Nam có thêm 13 ca mắc COVID-19 mới; bệnh nhân COVID-19 thứ 25 tử vong do mắc bệnh nền nặng; đề xuất bỏ phương án "điện một giá" và Nguyễn Xuân Đường nhận án tù 2 năm 6 tháng..., là những tin “nóng” trong ngày 18/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN