Bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sau 2 ngày 18 - 19/7 làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Thủ đô Hà Nội đã bế mạc. Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến toàn diện và thống nhất cao đối với ba nhóm nội dung: Công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước trong giai đoạn mới và công tác cán bộ.
Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất: Phương hướng công tác nhân sự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng về cơ cấu, số lượng Ủy viên Trung ương Đảng chính thức khóa XIV; Tiêu chuẩn, số lượng và nguyên tắc phân bổ đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; cho ý kiến về nhân sự bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026 - 2031, đảm bảo công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng tiến hành đồng bộ, khoa học, bài bản, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch theo đúng quy định của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định pháp luật, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết, không để “lọt” những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý chủ trương hợp nhất 3 Báo cáo gồm: Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế xã hội, Báo cáo về tổng kết xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng (nội dung công tác xây dựng Đảng); thông qua nội dung cơ bản dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; đồng thời, thống nhất các nội dung đề xuất của Đảng ủy Chính phủ về một số nội dung sửa đổi, bổ sung các nghị quyết, kết luận của Trung ương như: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Về Đại hội Đảng bộ các cấp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định, Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 là đợt sinh hoạt chính trị to lớn, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, là tiền đề tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc khẩn trương triển khai kế hoạch tổ chức đại hội các cấp, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, không để bị động, chậm trễ hoặc để xảy ra mất đoàn kết nội bộ.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Đáng chú ý, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Võ Văn Thưởng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Vương Đình Huệ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Lê Minh Khái, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ...
Về vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất đánh giá, bước đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành, với 3.321 xã, phường, đặc khu, kết quả sơ bộ cho thấy bộ máy cơ bản vận hành tốt; cán bộ công chức bước đầu thích ứng; quy trình xử lý công việc thông suốt, dịch vụ công được giải quyết nhanh hơn; nhân dân bày tỏ sự đồng tình và kỳ vọng mô hình mới sẽ hiệu quả hơn.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã xem xét, cho ý kiến các Báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII từ tháng 11/2024 đến tháng 7/2025; tình hình đất nước 6 tháng đầu năm 2025; về những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 11 đến Hội nghị Trung ương 12 và một số nhiệm vụ trọng tâm đến Hội nghị Trung ương 13 khóa XIII...
Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chuyển trạng thái từ “vừa chạy vừa xếp hàng” sang “hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến” vươn tới tương lai. Từ Trung ương đến các xã, phường, đặc khu, hệ thống chính trị và hệ thống hành chính đều đang vận hành theo hướng đổi mới tổ chức bộ máy, gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây là bước đột phá về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong việc thiết lập thiết chế quản trị hiện đại, liêm chính, tinh gọn và hướng tới người dân.
Hội nghị Chính phủ với địa phương về tăng trưởng kinh tế năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Ảnh: TTXVN
Trong tuần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá những kết quả nổi bật về kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2025 như: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 7,52% so với cùng kỳ, cao nhất trong cùng kỳ gần 20 năm qua; xuất khẩu tăng 14,4%; thu ngân sách Nhà nước đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3%; vốn FDI đăng ký trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6%... Tuy nhiên, các động lực tăng trưởng truyền thống chưa đạt kỳ vọng; áp lực giải ngân vốn đầu tư công lớn; sức mua trong nước phục hồi chậm; xuất khẩu chịu ảnh hưởng bất lợi từ chính sách thuế quan của Mỹ; kinh tế vĩ mô chịu nhiều sức ép lớn từ bên ngoài…
Hội nghị đã đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên: Quý III, IV phải đạt mức tăng trưởng lần lượt là 8,3% và 8,5%. Các bộ, ngành cũng đề xuất chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương cụ thể để đảm bảo mục tiêu chung của cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, mục tiêu phấn đấu cả năm 2025 là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%; tăng trưởng đạt 8,3% - 8,5%; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; tổng đầu tư toàn xã hội 2,8 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư công 1 triệu tỷ đồng; kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, bộ chi ngân sách; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...
Các trường Đại học công bố điểm xét tuyển đầu vào
Các chuyên gia trao đổi, giải đáp thắc mắc về tuyển sinh, chọn ngành cho phụ huynh và học sinh. Ảnh: TTXVN
Trong tuần qua, các trường Đại học trên cả nước đã công bố điểm sàn xét tuyển năm 2025 sau khi có công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo các phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là 19 điểm; phương thức sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực (HSA) của trường 19 điểm. Đối với các phương thức xét tuyển khác, Hội đồng tuyển sinh các đơn vị sẽ quy đổi và công bố điểm ngưỡng theo đúng quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đại học Bách khoa Hà Nội công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng của các Khối nhóm ngành Kỹ thuật và nhóm ngành Kinh tế, Giáo dục, Ngoại ngữ theo điểm thi tốt nghiệp THPT; điểm xét tuyển tài năng; điểm thi Đánh giá tư duy… đồng thời, dự báo mức điểm trúng tuyển vào các chương trình đào tạo đại học chính quy năm 2025 đối với phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, dự báo điểm chuẩn dao động từ 19 - 27,8 điểm, tuỳ ngành. Nhiều trường tại TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố mức điểm sàn theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT như: Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh công bố mức điểm sàn 15 điểm cho tất cả các ngành; Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cũng có mức sàn 15 điểm…
Theo các chuyên gia, năm nay, quy chế tuyển sinh có nhiều điểm mới so với các năm trước như không còn các đợt xét tuyển sớm, tất cả phương thức xét tuyển đều thực hiện đồng thời trên hệ thống của Bộ; các trường thực hiện quy đổi điểm các phương thức về thang điểm chung…
Xem xét kỷ luật một số cán bộ đảng viên vi phạm
Trong tuần, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế theo thẩm quyền. Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị nhận thấy:
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ, Bí thư Đảng uỷ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị công tác.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị công tác. Bộ Chính trị đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.
Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Lợn chết do mắc dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: TTXVN
Trong tuần qua, nhiều địa phương đã ghi nhận dịch tả lợn châu Phi bùng phát, diễn biến phức tạp trên diện rộng; nhất là tại tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận 42 ổ dịch tại 35 xã; tỉnh Phú Thọ dịch đã lan rộng ra hơn 20 xã; các địa phương như: Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Vĩnh Long… cũng đã xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi. Các địa phương đang khẩn trương khoanh vùng, xử lý các ổ dịch, ngăn chặn dịch lây lan.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện hơn 500 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 28/34 tỉnh, thành phố; nguy cơ dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng.
Tiêu hủy lợn bệnh chết. Ảnh: TTXVN
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để bùng phát dịch bệnh, hạn chế phát sinh ổ dịch mới; kiên quyết xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.