Kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đây cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự thay đổi và cải cách.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính
Nhiều năm qua, Bộ Tài chính liên tục trong nhóm dẫn đầu của bảng xếp hạng Par Index. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Lũy kế từ ngày 15/12/2020 đến ngày 15/6/2021, Bộ Tài chính đã ban hành 6 quyết định công bố bãi bỏ 197 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung 13 thủ tục, công bố mới 114 thủ tục trong các lĩnh vực: hải quan, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý công sản.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ ổn định và hiệu quả. Lũy kế từ ngày 15/12/2020 đến hết ngày 15/6/2021, Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính đã tiếp nhận 606 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc 5 lĩnh vực (bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, tin học, giá, tài chính ngân hàng) và đã trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 440 hồ sơ đảm bảo 100% đúng hạn. Số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 166 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.
Đáng chú ý, việc rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được Bộ Tài chính thực hiện có hiệu quả. Tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ còn hiệu lực tính đến ngày 15/6/2021 là 290 điều kiện thuộc 20 ngành.
Đồng thời, nhằm triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Tài chính rà soát và thực hiện đăng tải 1.098 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (bao gồm: yêu cầu, điều kiện kinh doanh; thủ tục hành chính và chế độ báo cáo); tính chi phí tuân thủ và rà soát, đánh giá các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Hệ thống phần mềm theo đúng yêu cầu.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát, đề xuất các phương án để cắt giảm, đơn giản hóa các quy định và chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo lĩnh vực được giao quản lý (đảm bảo đến năm 2025 thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và chi phí tuân thủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ).
Theo Bộ Tài chính, lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc tiếp tục được hiện đại hóa. Trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Tính đến ngày 31/5/2021, đã có hơn 828.000 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,67% số doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trên 9 triệu hồ sơ.
Bộ đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 822.361 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99,18%.
Về Cơ chế một cửa quốc gia, tính đến ngày 15/6/2021, có 226 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với hơn 3,82 triệu hồ sơ của hơn 46,89 nghìn doanh nghiệp...
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm yêu cầu, chất lượng, kịp thời tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả, thời gian tới, Bộ Tài chính tập trung đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận, trọng tâm vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, quản lý thu, chi ngân sách nhà nước và thể chế về môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử.
Bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài chính nhằm cải thiện chỉ số nộp thuế và chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới trong đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam về chỉ số môi trường kinh doanh.
Thay đổi phương thức làm việc, ứng phó với dịch bệnh
Kết luận tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế về cải cách hành chính; đổi mới tư duy, nhận thức, coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng, đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội với kết quả cao nhất. Thực hiện chỉ đạo này, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính, xem đây là nhiệm vụ chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở ngành, đơn vị.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu, năm 2020, công tác cải cách hành chính của Thành phố cơ bản hoàn thành, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tiếp tục được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, xuyên suốt; nhanh chóng đề ra các giải pháp linh hoạt, thay đổi phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp khi ứng phó với dịch COVID-19.
UBND Thành phố đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2020. Theo đó, các chỉ tiêu, mục tiêu được đề ra với tinh thần vượt lên năm 2019, trọng tâm là "Nâng cao văn hóa công sở, văn hóa công vụ, nâng cao ý thức thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp".
Căn cứ Kế hoạch trên, thủ trưởng sở, ban, ngành, quận – huyện và các cơ quan ngành dọc trên địa bàn Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ thuộc ngành – lĩnh vực, địa phương và phân công nhiệm vụ, tiến độ thực hiện cụ thể cho các đơn vị, phòng, ban chuyên môn trực thuộc. Đến nay, các chỉ tiêu và nội dung của Kế hoạch đã được thực hiện cơ bản đầy đủ, đảm bảo tiến độ đề ra.
Trong lĩnh vực cải cách thể chế, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát là hơn 1.400 văn bản; qua rà soát, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi 267 văn bản. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND Thành phố thuộc lĩnh vực quản lý đề xuất hết hiệu lực, ngưng hiệu lực là 56 văn bản.
Về cải cách thủ tục hành chính, Thành phố đã ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, theo đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của Trung ương sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính đối với 16 thủ tục thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Du lịch...
Hiện nay, Thành phố tiếp tục duy trì vận hành Cổng dịch vụ công Thành phố, hệ thống một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính đối với 51 thủ tục hành chính của 6 sở, 1 ngành dọc, 5 quận - huyện, 9 phường, xã - thị trấn; đồng thời kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với 24 thủ tục hành chính.
Liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận là hơn 12,3 triệu hồ sơ (trong đó, số tiếp nhận trực tuyến là khoảng 1,7 triệu hồ sơ). Số hồ sơ đã giải quyết hơn 12,1 triệu hồ sơ; đang giải quyết hơn 178.000 hồ sơ. Tỷ lệ giải quyết đúng hạn là 99,3%.
Đáng chú ý, trong giai đoạn ứng phó với dịch COVID-19, Thành phố đã đề nghị Bưu điện Thành phố nghiên cứu giảm giá cước dịch vụ bưu chính công ích để khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia dịch vụ bưu chính công ích khi thực hiện thủ tục hành chính; chỉ đạo tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người, góp phần phòng, chống dịch. Đối với hồ sơ đến thời gian trả kết quả, các sở, ngành đã phối hợp với Bưu điện Thành phố liên hệ người dân để sử dụng dịch vụ bưu chính phát tận nhà cho người dân. Một số đơn vị đã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả trực tiếp tại nhà cho người dân đối với các thủ tục hành chính đơn giản.
Từ ngày 1 – 23/4/2020, Thành phố đã tạm ngưng tiếp nhận trực tiếp tất cả thủ tục doanh nghiệp, đầu tư; thay vào đó đã hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả bưu điện. Kết quả đã giải quyết hồ sơ cho hơn 12.200 lượt doanh nghiệp; trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp nộp qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chiếm 92,48%, số còn lại doanh nghiệp soạn hồ sơ qua chương trình tại nhà và đăng ký nộp qua bưu điện. Thành phố tiếp tục thực hiện việc cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định, nhưng vẫn đảm bảo hồ sơ được giải quyết chặt chẽ, chính xác.
Trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, Thành phố đã thực hiện tinh giản biên chế đối với 1.105 trường hợp kể từ khi triển khai Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.