Hiện trạng tài nguyên nước và an toàn hồ đập ở Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 108 lưu vực với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168 nghìn km2, trong đó 837 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài, chỉ có 331 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 28,3%) là nằm trong lãnh thổ nước ta.
Tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của các sông vào khoảng 830-840 tỷ m3. Cả nước có khoảng trên 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tính khoảng 70 tỷ m3. Về nguồn nước dưới đất có trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm, tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 1.940-1.960mm (tương đương với khoảng 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, với trữ lượng nêu trên, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước mặt, nước ngầm khá phong phú; nhưng nguồn nước mặt bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh. Hàng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta lượng nước khoảng 520 tỷ m3 (chiếm khoảng 63%). Tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu.
Tuy nhiên, do tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm. Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm vào khoảng 80,6 tỷ m3, chiếm gần 10% tổng lượng dòng cả nước. Trong đó, trên 80% được sử dụng cho nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm); cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thuỷ sản và sinh hoạt.
Về bảo đảm an toàn hồ, đập, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Luật Thủy lợi được ban hành năm 2017 đã quy định về quản lý an toàn hồ, đập chặt chẽ; phân công trách nhiệm phối hợp các bộ, ngành, UBND các cấp rõ ràng. Hiện các tỉnh đều tuân thủ nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn hồ, đập; bố trí nguồn lực sửa chữa các công trình hư hỏng xuống cấp; tổ chức kiểm tra quy trình vận hành, thiết bị vận hành đập hồ chứa; kiểm định an toàn hồ chứa trước mùa mưa lũ và dừng tích nước với một số hồ không bảo đảm an toàn.
Kết quả giám sát chuyên đề an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội trong tháng 7/2020 tại 14 tỉnh cho thấy: Đập, hồ chứa quan trọng, hồ chứa nước lớn có độ an toàn cao do được kiểm soát tốt từ khâu xây dựng, có quy trình vận hành, có tổ chức quản lý đủ điều kiện, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.
Tuy nhiên, đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30 - 50 năm điều kiện thiết kế, thi công còn hạn chế, chủ yếu là đập đất nên khả năng mất an toàn cao. Nhiều hồ, đập không có quy trình vận hành khi thiết kế; không được kiểm định trước mùa mưa lũ; không có trang thiết bị quan trắc, giám sát an toàn.
Mặc dù các tỉnh đều quan tâm bố trí nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng công trình nhưng do số lượng hồ, đập bị hư hỏng lớn nên vẫn có một số lượng hồ đập lớn hư hỏng nghiêm trọng chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Ví dụ, ở Thanh Hóa còn 50% hồ xuống cấp cần phải tu sửa, trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ chứa mất an toàn; Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp, 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao; Hòa Bình 544 hồ chứa có 192 hồ hư hỏng xuống cấp.
Trong phân công, phân cấp, phân giao quản lý hồ, đập; Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Các tỉnh đang khẩn trương thực hiện việc phân cấp quản lý hồ, đập; chuyển giao công trình hồ, đập từ UBND cấp huyện, xã cho các công ty khai thác công trình thủy lợi đủ điều kiện quản lý; kiện toàn lại đội ngũ quản lý công trình thủy lợi đảm bảo bố trí nguồn nhân lực đủ trình độ, đúng thẩm quyền để đảm bảo khai thác, an toàn cho hồ, đập...
Tuy vậy, vẫn có địa phương giao cho UBND cấp xã, tổ, đội, hợp tác xã quản lý như: Tại tỉnh Nghệ An có 964 hồ đập loại nhỏ và vừa đang giao cho UBND cấp xã, tổ đội, hợp tác xã quản lý; 100% hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai do cấp xã quản lý.
Những thách thức đối với an ninh nguồn nước
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Nguồn nước mặt chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài: 71,7% diện tích lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ; 7/13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia; 63% nguồn nước mặt xuất phát từ ngoài lãnh thổ.
Tài nguyên nước phân bố không đều theo không gian và thời gian: Phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP. Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số, trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng ĐBSCL, nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng cũng đang chịu tác động từ sử dụng nước khu vực thượng nguồn. Lưu vực sông Đồng Nai với khoảng 4,2% lượng nước, nhưng đang đóng góp khoảng 30% GDP của cả nước. Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi đó 7-9 tháng mùa kiệt chỉ có 20-30% lượng nước cả năm.
Một thách thức nữa với vấn đề an ninh nguồn nước là tình trạng sử dụng nước kém hiệu quả, còn lãng phí, các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển kinh tế chưa bền vững; ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nước thải chưa xử lý của các đô thị, công nghiệp, làng nghề; trên 90% nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý.
Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy, suy giảm diện tích đất rừng, nguồn sinh thủy còn diễn ra. Cùng với sự phát triển kinh tế, đô thị hóa, hoạt động sản xuất, gia tăng các hoạt động xả nước thải đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn lên nguồn nước.
Việc sử dụng tài nguyên nước kém hiệu quả thể hiện ở chỗ: Trong tổng lượng nước được khai thác, sử dụng hàng năm (80,6 tỷ m3) có khoảng trên 80% là sử dụng cho nông nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế ở mức rất thấp, với mỗi đơn vị m3 nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 đôla GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 đôla, thấp hơn Lào 2,53 đôla.
Thêm một thách thức đối với an ninh nguồn nước của Việt Nam là tác động của biến đối khí hậu: Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam được xếp là một trong số 5 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu; xếp thứ 91/191 nước phải đối mặt với mức độ rủi ro thiên tai cao theo Chỉ số Quản lý rủi ro (INFORM), xếp thứ 16 toàn cầu về tác động nghiêm trọng do thiên tai liên quan đến khí hậu.
Trên thực tế, do biến đổi khí hậu mùa khô kéo dài 6-8 tháng lượng nước chỉ chiếm 20-30% tổng lượng nước cả năm; thời kỳ hạn hán gây xâm nhập mặn của ĐBSCL vừa qua kéo dài gấp từ 2-2,5 lần giai đoạn 2016. Các hoạt động khai thác nước thượng nguồn gia tăng, dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn nước và chất lượng nước.
Hiện nay, các hồ chứa thủy điện và hồ chứa thượng nguồn chỉ có thể kiểm soát được 20% tổng lượng nước chảy vào Việt Nam. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới thì tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam: Hồng-Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai và nhóm lưu vực sông Đông Nam Bộ.
Nhiều nơi mất cảnh giác với các hồ, đập nhỏ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Nguyễn Vinh Hà cho biết, trong tháng 7-2020, Ủy ban này đã tổ chức 2 đợt khảo sát về nội dung này tại 14 tỉnh, thành phố tiêu biểu cho các khu vực Bắc Trung bộ; duyên hải Miền Trung; Nam Trung bộ; Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong khoảng 20 - 30 năm tới thì nhiều tỉnh sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp. Như tại tỉnh Nghệ An, hiện có 1.061 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích 537 triệu m3 nhưng mới chỉ đảm nhiệm được 55% diện tích tưới.
Tại tỉnh Thanh Hóa, có 610 hồ chứa thủy lợi, trong đó có hồ chứa lớn như Cửa Đạt, dung tích 793,7 triệu m3 nhưng chỉ đáp ứng được 70% diện tích tưới (86,8 ngàn ha); hoặc tại tỉnh Hà Tĩnh với hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang mới đưa vào hoạt động, cấp nước tưới cho trên 32.000 ha cũng có kế hoạch mở rộng hệ thống kênh dẫn để tăng cường diện cấp nước.
Riêng với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ bảo đảm điều tiết nước của sông Tiền, sông Hậu qua hệ thống cống, trạm bơm và mạng lưới kênh dẫn đã phục vụ tốt cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, sản xuất lúa và cây ăn trái nhiều năm qua.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng mưa ít, lũ về chậm, mực nước lòng sông thấp nên lượng nước không đủ cho sinh hoạt, sản xuất và tưới cho cây trồng. Trong đợt hạn năm 2019 - 2020, mặn vào sâu tới đến 135km (sông Vàm cỏ tây, huyện Mộc Hóa, Long An), nồng độ mặn cao đến 18%o (huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bến Tre) đã gây thiệt hại trên 1.600 tỷ đồng; tại tỉnh Kiên Giang cũng có 1.500 ha bị nhiễm mặn.
“Các vấn đề này cần được nghiên cứu khoa học và dựa trên cơ sở quy hoạch tốt hệ thống thủy lợi cho 20 – 30 năm tới”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà nhấn mạnh.
Liên quan đến quản lý an toàn hồ, đập, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Nguyễn Vinh Hà đặc biệt lưu ý đến tình trạng đập, hồ chứa quan trọng, hồ chứa nước lớn có thì độ an toàn cao do được kiểm soát tốt từ khâu xây dựng, có quy trình vận hành, có tổ chức quản lý đủ điều kiện, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.
Song những đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30 - 50 năm, khi điều kiện thiết kế, thi công còn hạn chế, chủ yếu là đập đất nên khả năng mất an toàn cao. Nhiều hồ, đập không có quy trình vận hành khi thiết kế; không được kiểm định trước mùa mưa lũ; không có trang thiết bị quan trắc, giám sát an toàn.