Hội thảo là sinh hoạt khoa học nhằm đánh giá một cách khách quan, khoa học những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục tổng kết những bài học kinh nghiệm của ngoại giao 75 năm qua và xây dựng định hướng cho sự phát triển của ngoại giao trong bối cảnh chiến lược mới của đất nước, nhất là chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đến 2030 và định hướng đến 2045.
Tại Hội thảo, các nhà ngoại giao tiền bối, những nhân chứng lịch sử và cũng là những người đã trực tiếp tham gia đóng góp vào những mốc son của ngành Ngoại giao đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu của ngành Ngoại giao được đúc kết từ các thời kỳ, góp phần giải quyết những thách thức, tận dụng cơ hội đặt ra đối với ngành trong bối cảnh hiện nay.
Những bài học từ tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh
Đánh giá những thành tựu của đất nước ta trong 75 năm qua, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan khẳng định, 3/4 thế kỷ - khoảng thời gian tương đối ngắn trong chiều dài mấy ngàn năm lịch sử dân tộc, nhân dân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã làm nên nhiều câu chuyện thần kỳ. Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong thế giới thuộc địa vùng lên, lấy sức mình giành lại chủ quyền dân tộc, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân. Là một nước không lớn, người không đông, lực lượng vật chất chưa mạnh, Việt Nam đã lần lượt đẩy lùi hết thế lực ngoại xâm này tới thế lực ngoại xâm hùng mạnh khác, giữ vững độc lập, thống nhất giang sơn, bảo toàn biên cương. Vốn là nước nghèo nàn, lạc hậu lại bị các cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề, nay Việt Nam nổi lên là một quốc gia phát triển năng động. Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, nay Việt Nam ghi tên mình trong danh sách các thành viên chủ động, tích cực, đầy trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế với vị thế ngày càng cao.
Trong toàn bộ những dấu ấn lịch sử nói trên, nền ngoại giao nước nhà do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và kiêm chức Bộ trưởng đầu tiên đã có những đóng góp lớn lao, đem lại nhiều bài học quý giá soi rọi cho các thế hệ tiếp bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Bàn về những bài học đó, ông Vũ Khoan cho rằng, điều đầu tiên là kiên định những mục tiêu cơ bản phản ánh lợi ích thiết thân của dân tộc, thuận chiều với xu thế thời đại. Theo đó, dù trong chiến tranh hay hòa bình, bị bao vây, cô lập hay hội nhập quốc tế, hoạt động ngoại giao đều phải phục vụ mục tiêu Bác Hồ suốt đời theo đuổi và dặn lại trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Cụ thể hóa điều này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu dẫn chứng: Khi ký kết các điều ước quốc tế quan trọng như Hiệp định Geneva (Giơ-ne-vơ) năm 1954 và Hiệp định Paris (Pa-ri) năm 1973, cho dù chưa đạt được yêu cầu thống nhất đất nước ngay, các nhà ngoại giao Việt Nam đã kiên trì đấu tranh vào văn bản cam kết của đối phương công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Trong thời bình, những mục tiêu trên là nền tảng quan trọng để tạo dựng môi trường ổn định để phát triển đất nước và nâng cao vị thế quốc gia.
Một bài học nữa, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, liên quan tới sự sắp xếp lực lượng để đạt mục tiêu. Trong đó, nhân tố quan trọng hàng đầu là phải có thực lực mạnh. “Thực lực” nói ở đây bao gồm cả “sức mạnh cứng” về kinh tế và quốc phòng lẫn “sức mạnh mềm” như truyền thống quật cường, tinh thần đoàn kết, tố chất nhân văn, tính cách rộng mở của con người Việt Nam đi đôi với tính chính nghĩa của sự nghiệp mà nhân dân ta theo đuổi cũng như đường lối, chính sách và phương pháp hành động đúng đắn. Vị trí đắc địa về địa chính trị và địa - kinh tế cũng có ý nghĩa không nhỏ trong việc gia tăng thực lực quốc gia.
Bài học tiếp theo, như nhận định của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, là vận dụng nhuần nhuyễn những phương châm hành động thích hợp. Bên cạnh việc nhận thức chuẩn xác và ra sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng chia sẻ những giá trị nước ta theo đuổi, kể cả các tầng lớp nhân dân ở ngay các nước đối đầu với Việt Nam, nhất thiết phải phân tích cặn kẽ sự xếp sắp lực lượng các thế lực “bên kia chiến tuyến”, làm rõ những điểm đồng và điểm dị giữa họ với nhau, phân tích rõ ai là đối thủ chủ yếu cần tập trung mũi nhọn đấu tranh, ai là thế lực có thể tranh thủ để từ đó hoạch định phương hướng hành động, khai thác những mâu thuẫn giữa họ với nhau.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đánh giá: Trong thời kỳ hội nhập quốc tế và triển khai chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, cách tiếp cận biện chứng được vận dụng theo tinh thần: Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có những mặt cần tranh thủ, hợp tác, trong một số đối tác có thể có những mặt khác biệt, mâu thuẫn lợi ích với Việt Nam cần được xử lý thích hợp.
Đối với chính sách đối tượng và khu vực, ngoại giao Việt Nam nhất quán thể hiện ý tưởng rộng mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm bạn với mọi nước dân chủ, không gây thù oán với ai”, trong đó “đối với những nước Á châu là một thái độ anh em; đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”. Cũng theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nắm bắt chính xác, tận dụng đúng lúc, thậm chí chủ động tạo dựng thời cơ là nét nổi bật nữa của ngoại giao Việt Nam.
Bài học cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, là đào tạo đội ngũ các cán bộ ngoại giao ngang tầm khi tình hình ngày càng phức tạp, nhiệm vụ ngày càng khó khăn.
Theo đó, từ tấm gương sáng ngời của Bác Hồ, các nhà lãnh đạo tiền bối và các nhà ngoại giao đàn anh kỳ cựu, ngoài những phẩm chất cần có của người cán bộ, đảng viên, những người làm công tác đối ngoại cần có một số phẩm chất riêng. Đó là sự kiên định trên những vấn đề mang tính nguyên tắc đi đôi với sự cơ động linh hoạt cần thiết, “cương - nhu” tùy lúc, tùy người, tùy việc theo tinh thần “trái tim phải nóng, cái đầu phải lạnh”. Đó là tầm nhìn phải rộng, cảm nhận phải nhậy, suy nghĩ phải sâu, tính toán phải kỹ, hành xử phải sắc. Đó là sự tinh thông về một khu vực và lĩnh vực đi đôi với những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm mở rộng hiểu biết về nhiều loại công việc, nhiều lĩnh vực...
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định: Những bài học quý giá nhất, đầy đủ nhất đối với mỗi cán bộ đối ngoại đều nằm trọn trong tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ - người sáng lập và rèn luyện nên ngoại giao Việt Nam. Việc quán triệt sâu sắc và thực hiện nhuần nhuyễn những điều Người chỉ giáo mãi mãi là một nhân tố quan trọng hàng đầu đưa Tổ quốc ta lên “đài vinh quang” cùng bạn bè năm châu.
Bài học về đổi mới tư duy đối ngoại
Khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam chưa bao giờ được như ngày nay, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên bày tỏ tin tưởng, trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp tục con đường đổi mới của Đảng, ngoại giao Việt Nam với tư duy sáng tạo sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để viết lên những kỳ tích của Việt Nam trong lịch sử.
Nhân Hội thảo, nhà Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã nêu 5 bài học về đổi mới tư duy đối ngoại. Theo đó, để đổi mới tư duy đối ngoại đi đúng hướng và thành công nhất thiết phải nắm vững các nguyên lý: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và lời dạy của Bác Hồ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công. Có như vậy càng tăng cường quan hệ với các nước, càng hội nhập, đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng càng vững mạnh.
Cùng với đó, tri thức là tiền đề của tư duy, nếu không nghiên cứu sâu rộng, rút ra những điều cốt lõi và quy luật thì khó có thể nêu được điều gì sáng tạo và thiếu luận cứ để chứng minh, thuyết phục tạo đồng thuận cao trong nội bộ.
Cũng theo nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, đổi mới tư duy đối ngoại phải nhanh nhạy, phải đi trước một bước, không để "nước đến chân mới nhảy", không bỏ lỡ thời cơ. “Đổi mới tư duy đối ngoại không thể đi đường mòn. Thế giới ngày hôm nay khác với thế giới ngày hôm qua. Sự vật luôn chuyển động, nhất là trong quan hệ quốc tế. Điều đó mách bảo cho chúng ta phải luôn có cách nhìn mới, tư duy mới”, ông Nguyễn Dy Niên nói.
Ông Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh, muốn có đổi mới tư duy đối ngoại, người cán bộ của Đảng phải có sự dũng cảm, tỉnh táo và tinh thần trách nhiệm cao đối với dân tộc và đất nước. Không dũng cảm thì chỉ có đi đường mòn, không tỉnh táo thì dễ đi chệch hướng, không có tinh thần trách nhiệm thì khó có thể tìm ra biện pháp đúng để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khẳng định cán bộ ngoại giao phải học tập nhuần nhuyễn tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là bảo bối “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh, chỉ có đổi mới tư duy mới “vạn biến", có như vậy, Việt Nam mới sớm xây dựng được một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.