Còn nhớ, ngay từ những số đầu tiên, Tuần Tin tức đã được bạn đọc yêu mến, đón đọc nhờ vượt qua khuôn sáo thông tin 5 W 1 H trong cách thể hiện mới, hấp dẫn hơn. Và quan trọng hơn cả là sự đổi mới mạnh mẽ nội dung thông tin dù chậm, vì là báo tuần, nhưng thông tin không “thiu”, không lạc hậu.
Nội dung thông tin trong nước và nước ngoài được Ban lãnh đạo TTXVN "bật đèn xanh" mở hết biên độ theo phương thức thông tin gì nhanh - đúng - trúng - hay mà ban đọc ưa thích thì đưa lên trang báo chứ không chỉ thông tin theo bản tin truyền thống. Nhiều. Đặc biệt là những bài phóng sự, điều tra chống tiêu cực đưa lên trang báo Tuần Tin tức gây chấn động công luận lúc bấy giờ.
36 năm rồi mà những vụ việc “động trời” hồi ấy vẫn còn in đậm trong kỷ niệm nghề nghiệp của chúng tôi, những người có thời làm Tuần Tin tức.
Hồi ấy, theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Đào Tùng và Phó Tổng giám đốc Đỗ Phượng, báo Tuần Tin tức phải đi sâu vào các ngành kinh tế trọng điểm - bây giờ duy danh là “mũi nhọn” mà Đảng và Chính phủ đang rốt ráo chỉ đạo. Đó là ngành Than, một ngành công nghiệp quan trọng trong bước chập chững đổi mới. Khẩu hiệu “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ” lấy từ lời dạy của Bác Hồ.
Thế nhưng, thời kỳ đó, sản xuất than quá trì trệ mà nguyên nhân chủ yếu là do năng lực, trình độ lãnh đạo sản xuất ở các mỏ. Đó là chưa kể đến công nghệ, thiết bị khoan đào, vận tải đều có vướng mắc. Đời sống thợ mỏ sa sút thiếu thốn. Công tác phân phối lưu thông nhu yếu phẩm quá nhiều bất cập. Ai đời, người ta bồi dưỡng ca 3, độc hại cho thợ lò bằng thuốc lá Tam đảo, bằng bia hơi!
Trong bối cảnh ấy, Tuần Tin tức đăng bài điều tra “Ngành than trước ngưỡng báo động”. Báo vừa phát hành đã có trên bàn làm việc của các yếu nhân Văn phòng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Nghe kể rằng ông Bộ trưởng Thương nghiệp Lê Đức Thịnh vừa đọc chưa hết tờ báo đã như bị điện giật. Ông quay điện thoại gọi Văn phòng lên giao nhiệm vụ đi ngay Quảng Ninh kiểm tra tình hình phân phối nhu yếu phẩm cho thợ mỏ. Ông còn cho mời tác giả đến để trò chuyện cặn kẽ nội tình yếu kém của thuơng nghiệp Quảng Ninh… Cũng có nghe chuyện Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh lập tức yêu cầu Phó Chủ tịch phụ trách khối tài mậu phải xin lỗi công nhân mỏ và triệu tập họp ngành này để chấn chỉnh.
Sau này, Tổng giám đốc Đào Tùng thông báo giao ban việc Bộ trưởng Bộ Điện - Than phản ứng quyết liệt với TTXVN và báo Tuần Tin tức về bài báo được cho là đã dội thùng nước lạnh vào ngành than! It ngày sau, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười triệu tập lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về Hà Nội để bàn việc cải thiện việc cung cấp, phân phối lương thực, thực phẩm cho thợ mỏ.
Phát súng mở màn tấn công vào boong ke tiêu cực của báo Tuần Tin tức không chìm trong im lặng của trì trệ, bảo thủ để chẳng mấy chốc trở thành cả một mặt trận chống tiêu cực rộng khắp do đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh làm thống soái với slogan “Những việc cần làm ngay”.
Thế rồi Tuần Tin tức có bài phóng sự - điều tra “Cướp cạn giữa ban ngày” của Thơ Linh Cơ - bút danh của Phạm Vũ Tâm, cố Tổng biên tập báo Tuần Tin tức sau này. Bài báo nổ súng vào bờ nam cầu Hàm Rồng, tấn công trực diện nhân vật Đặng Đình Tám, Giám đốc một công ty lớn của Thanh Hóa mới thật sự rúng động xứ Thanh vì chống tiêu cực có địa chỉ cụ thể, con người cụ thể và hành vi tiêu cực rõ mồn một. Sau đó còn là loạt bài “hậu” Đặng Đình Tám được coi là chống những kẻ ỷ thế “ô to, dù bự ” ở Tỉnh ủy, Ủy ban Thanh Hóa lộng hành, tham ô, hủ hóa, trù dập người tố cáo. Vụ này động chạm đến Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hà Trọng Hòa vì ông này đã dung túng Đặng Đình Tám và tay chân của y làm càn.
Bài báo “Cướp cạn giữa ban ngày” bị phản ứng dữ dội từ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lên Ban Tuyên huấn Trung ương, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng... khiến Bộ Biên tập TTXVN, Ban biên tập báo phải chịu trận mướt mồ hôi. Còn nhớ khi đăng bài cuối cùng “Lan lừa là ai” liên quan trực tiếp đến ông Hà Trọng Hòa, thì đích thân ông Đỗ Phượng phải gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để xin chịu trách nhiệm trước người đứng đầu Trung ương Đảng về tính chiến đấu của các bài báo chống tiêu cực ở Thanh Hóa. Nếu không có một Ban lãnh đạo dũng cảm, tâm huyết đổi mới và đội ngũ phóng viên biên tập sống chết với nghề thì không thể chống tiêu cực. Tuần Tin tức thời đó dám chống tiêu cực trên các lĩnh vực, các địa phương được đông đảo bạn đọc đón chờ từng số báo. Báo không đủ bán vì không có đủ giấy in báo.
36 năm rồi, nhiều người trong cuộc đã mất! Chúng tôi nhớ đến cố Tổng giám đốc Đào Tùng người quyết liệt ủng hộ Tuần Tin tức; cố Phó Tổng giám đốc - sau là Tổng giám đốc Đỗ Phượng - người có sáng kiến tổ chức làm giây pơ luya để đổi lấy giấy in báo Tuần Tin tức và hăng hái bảo vệ Tuần Tin tức; cố Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đức Giáp - "vua" giật tít cho các bài "gây sự" ... và các anh Phạm Vũ Tâm, Hoàng Dương, Nguyễn Mạnh Chung…
Là người trong cuộc tôi nhớ anh Trần Quang Phong - chồng Trưởng ban Tin trong nước Vũ Kim Hải - Giám đốc nhà in TTXVN, từng nắm chặt tay tôi mà khẳng định, dù có ăn cháo cũng in báo Tuần Tin tức để khỏi thuê ngoài…
Năm tháng qua đi, sau một thời kỳ không còn Tuần Tin tức, rất mừng giờ đây Tuần Tin tức đã tục bản, trở thành tờ báo hàng tuần, in ấn đẹp hơn, trẻ trung hơn nhờ lực lượng phóng viên biên tập trưởng thành.