Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nguồn nhân lực tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực đột phá, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Tính chung cả năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với năm 2015. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế như công nghệ thông tin, y tế, công nghiệp xây dựng, cơ khí...
Các giải pháp phát triển thị trường lao động được chú trọng thực hiện. Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020, bảo đảm sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động; tăng cường nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung - cầu lao động và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động. Chất lượng việc làm dần được cải thiện, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức dần dịch chuyển sang khu vực chính thức; hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động thông qua Quỹ quốc gia về việc làm.
Trong 5 năm qua, đã giải quyết việc làm cho hơn 7,9 triệu lao động, trong đó trong nước khoảng 7,3 triệu người; đưa trên 634 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt chỉ tiêu 27%, về đích kế hoạch 5 năm trước 1 năm. Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi duy trì ở mức thấp và giảm dần.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ đã phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông; triển khai tích cực Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các chương trình, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng, đào tạo gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động; bước đầu áp dụng các phương pháp đào tạo của các tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên 64,5% năm 2020; trong đó tỉ lệ lao động có bằng, chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên 24,5% năm 2020.
Nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ đã thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, sau 5 năm tăng 10 bậc, từ vị trí 52 lên 42/131 quốc gia, lãnh thổ, đứng đầu nhóm các nước có cùng mức thu nhập là minh chứng cho những nỗ lực này. Năm 2020, đã triển khai kịp thời theo quy trình đặc biệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, đẩy mạnh hợp tác công tư trong nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, được Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, phát triển vaccine ngừa COVID-19... phục vụ kịp thời, thiết thực, hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch.
Cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân
Quan tâm chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, Chính phủ đã xây dựng chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Công tác y tế dự phòng được chú trọng, tăng cường giám sát, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh nguy hiểm lây lan trong cộng đồng trên diện rộng. Việc quản lý hồ sơ sức khỏe được triển khai đến từng người dân ở nhiều địa phương, tiến tới thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Các cơ sở khám, chữa bệnh đã ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông với cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc giám định thanh toán bảo hiểm y tế; đổi mới phương thức chi trả bảo hiểm y tế. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 76,5% năm 2015 lên khoảng 90,85% năm 2020, vượt mục tiêu Quốc hội giao (80%).
Trước bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động chỉ đạo đánh giá đúng tình hình, ứng phó kịp thời, kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch ở mức cao hơn và sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, coi công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vào thời gian cao điểm, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thường xuyên họp, Thường trực Chính phủ họp hai đến ba lần/tuần, Chính phủ thảo luận tại một số phiên họp thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 chỉ thị, 5 công điện và 34 kết luận chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, tập trung kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả từ bên trong; thực hiện nghiêm thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế) để phòng, chống dịch có hiệu quả.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là sự cống hiến, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, hy sinh quên mình của đội ngũ y bác sỹ, lực lượng quân đội, công an ngày đêm trên tuyến đầu phòng, chống dịch, nước ta đã cơ bản ngăn chặn và kiểm soát được dịch COVID-19, điều trị có hiệu quả các ca bệnh nặng, hiểm nghèo, được các tổ chức quốc tế và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; bước đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân theo Kết luận của Bộ Chính trị với đối tượng ưu tiên phù hợp.
Chính phủ cũng tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với người có công với cách mạng; kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, thiên tai, bão, lũ. Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Quốc hội và ban hành các chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn với gói hỗ trợ khoảng 62.000 tỷ đồng và triển khai thực hiện kịp thời đến đúng đối tượng.
Đã thực hiện hỗ trợ hơn 14 triệu lượt người dân thông qua chi trả trực tiếp hoặc các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; cho vay vốn để trả lương ngừng việc là 31.522 tỷ đồng. Đến hết tháng 1/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai cho vay tại 56 tỉnh, thành phố với tổng dư nợ 41.815 triệu đồng cho 245 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động.
Trong quá trình triển khai chính sách, Chính phủ đã chủ động theo dõi, đánh giá, kịp thời sửa đổi, bổ sung đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp và đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 dễ dàng tiếp cận hơn với chính sách. Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục thiệt hại về nhà ở do bão, lũ, sạt lở đất xảy ra trong tháng 10/2020 để sớm ổn định đời sống của nhân dân.
Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm, đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước giảm còn khoảng 2,75%. Sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,4%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong nhiệm kỳ qua, cơ quan chức năng đã triển khai 32.645 cuộc thanh tra hành chính và trên 1,12 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 417.490 tỷ đồng, 94.578 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi 235.522 tỷ đồng, 8.823 ha đất; xử lý khác hơn 181.968 tỷ đồng, 85.755 ha đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 9.772 tập thể, cá nhân; ban hành 612.779 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 24.120 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 462 vụ, 671 đối tượng; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 17.580 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 33.845 tỷ đồng (đạt 75%), 5430 ha đất (81%); xử lý hành chính 4.719 tổ chức, 15.299 cá nhân; khởi tố 204 vụ, 145 đối tượng.