Nhìn lại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII: Thẳng thắn và trách nhiệm

Đó là ý kiến nhận xét của đông đảo cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những câu hỏi rõ ràng gửi tới các vị bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ trả lời đi vào trọng tâm những vấn đề cử tri quan tâm. Nhưng cũng có bộ trưởng giải trình trước Quốc hội còn vòng vo, trả lời chưa thỏa mãn câu hỏi của đại biểu Quốc hội.


Câu hỏi rõ ý nhưng Bộ trưởng trả lời vòng vo


Sau hơn 2 ngày Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng và thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIII, nhìn chung các câu hỏi của đại biểu và trả lời chất vấn của các bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề mà cử tri và các đại biểu quan tâm.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Phát biểu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cao Đức Phát chiều 12/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Tôi thấy câu hỏi của các đại biểu rất tốt, rất ngắn gọn và rõ ý. Bộ trưởng trả lời cũng gọn hơn và khẳng định được việc giải quyết thế nào, có tạo được chuyển biến không?”. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhận xét: Các bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời nghiêm túc, trách nhiệm trước các câu hỏi mà đại biểu Quốc hội nêu. Tuy nhiên cũng theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đánh giá có bộ trưởng chưa thể hiện rõ nội dung được chất vấn.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, cử tri Hoàng Văn Tâm, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) cho rằng: Vẫn có bộ trưởng còn trả lời chưa đúng trọng tâm, vòng vo tam quốc, đơn cử là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh do trả lời lan man, chưa đúng trọng tâm, trình bày quá nhiều nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có thái độ dứt khoát, “thổi còi”. Cử tri mong muốn Quốc hội cũng cần cương quyết như vậy để người được chất vấn trả lời vào đúng trọng tâm câu hỏi. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri cả nước cũng nhận thấy câu hỏi của các đại biểu Quốc hội có nội dung trọng tâm nhưng người trả lời không đúng với câu hỏi của đại biểu Quốc hội và gợi ý của Chủ tịch Quốc hội.


Nhìn nhận ở mỗi ngành, lĩnh vực đều có những khó khăn riêng, nhiều đại biểu cho rằng những câu hỏi mang tính chất chung cần phải được giải đáp rõ ràng, thấu đáo; thể hiện rõ vấn đề, quan điểm để giải quyết những vướng mắc, tồn tại. Đề xuất cần sự thay đổi để nâng cao chất lượng trả lời chất vấn, một số đại biểu cho rằng đây là cuộc chất vấn tập thể Chính phủ, do vậy nếu tiến tới Thủ tướng là người chủ trì phiên trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ mang tính tổng thể lớn hơn.


Nhận xét về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nêu: “Qua phần trả lời của Bộ trưởng tôi không hỏi gì thêm, tôi đại diện cho cử tri Đồng Nai trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, nội dung trả lời của Bộ trưởng thể hiện trách nhiệm của mình đối với cử tri nói chung và ở Đồng Nai nói riêng. Quan điểm của Bộ trưởng tôi cho là rất rõ ràng trong thời gian sắp tới sẽ tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 Khóa XI của Đảng và Nghị quyết 49 của Quốc hội. Tôi có 2 kỳ vọng. Thứ nhất, tôi rất mong Bộ trưởng với tinh thần trách nhiệm của mình sẽ cùng bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ loại khỏi kế hoạch 2 dự án thủy điện để cử tri yên lòng. Thứ hai, chúng tôi kỳ vọng Bộ trưởng sẽ thực hiện đúng lời hứa về tham mưu Chính phủ ban hành thể chế, chính sách để giải quyết khó khăn cho nông dân trong tiêu thụ nông sản thực phẩm”.


Nhiều ý kiến cho rằng, những câu hỏi mà đại biểu đặt ra đối với các bộ trưởng, trưởng ngành lần này đã cơ bản nêu “đúng và trúng” vấn đề nóng, đang được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Song, cũng có một số đại biểu đặt câu hỏi vẫn còn chưa sát với chức năng quản lý của từng bộ, ngành, câu hỏi còn dài dòng nặng tính giải thích, nêu quan điểm. Có câu hỏi về những vấn đề nhỏ không bao quát, chưa liên quan đến lợi ích của đông đảo cử tri. Qua chất vấn, cử tri và đại biểu mong đợi nhận được những câu trả lời cụ thể từ phía các thành viên Chính phủ về việc có hay không vấn đề được nêu ra. Nếu có thì trách nhiệm thuộc về ai và biện pháp thế nào, khi nào thì giải quyết. Một số nội dung kỳ vọng này chưa được đáp ứng, tức là không đưa ra được cam kết, giải pháp cụ thể.


Những nhiệm vụ cần giải quyết


Chứng kiến các bộ trưởng, “Tư lệnh” ngành đưa ra lời hứa hay những thông điệp mang tính cam kết, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đều kỳ vọng những lời hứa đó sẽ được thực thi trong quá trình điều hành, thực thi nhiệm vụ của các bộ trưởng.


Kết thúc mỗi phần chất vấn và sau 2 ngày rưỡi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều “chốt” những nhiệm vụ trọng tâm mà từng bộ, ngành được chất vấn cần quan tâm, giải quyết trong thời gian tới để có báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới. Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội và các bộ trưởng cùng thể hiện sự quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao năm 2013, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Quốc hội đề ra. Theo các nội dung đã được chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu lại các nhiệm vụ, việc làm mà các bộ trưởng cần tập trung giải quyết thời gian tới.


Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiến hành các giải pháp cần thiết để phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Đáng chú ý, bộ trưởng và các đơn vị giúp việc của ngành phải tập trung vào công tác qui hoạch vùng, ngành, các sản phẩm nông nghiệp và tiến hành tái cơ cấu mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, liên kết với các ngành đưa KHCN vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, năng suất và có hiệu quả; hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp; quản lý chặt chẽ, kiên quyết chống tiêu cực trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu và thị trường; mở rộng hội nhập quốc tế; có cơ chế cần thiết hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mục đích cuối cùng là xây dựng ngành nông nghiệp nước ta phát triển bền vững đem lại đời sống tốt hơn cho người nông dân.


Về trồng rừng và bảo vệ rừng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải đặc biệt quan tâm đến rừng phòng hộ, đi liền với đó là giải quyết các vấn đề về thủy điện, rà soát các qui hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tổ chức lại các nông, lâm trường.


Đối với lĩnh vực văn hóa - thể thao, du lịch, Quốc hội yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khắc phục những biểu hiện suy thoái đạo đức xã hội trong gia đình, nhà trường và xã hội, trong sáng tác, biểu diễn các tác phẩm văn học nghệ thuật; đồng thời xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư từ đó bài trừ các tệ nạn xã hội. Quốc hội đề nghị Bộ trưởng cần có quyết tâm cao và có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong du lịch, làm mất hình ảnh Việt Nam; phấn đấu đưa ngành du lịch xứng đáng với tiềm năng.


Quốc hội yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, đồng thời quản lý lao động ở nước ngoài chặt chẽ hơn. Đối với người có công cần rà soát lại chủ trương, chính sách, chú ý đến lực lượng thanh niên xung phong, người nhiễm chất độc da cam và tich cực triển khai chương trình giảm nghèo.


Đối với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Quốc hội yêu cầu Viện trưởng và ngành kiểm sát đặc biệt chú ý đến chức năng, nhiệm vụ, vai trò công tố và kiểm sát tư pháp; tăng cường kiểm sát tư pháp với hoạt động tư pháp; xây dựng đội ngũ làm công tác tư pháp có năng lực, phẩm chất vững vàng trước mọi cám dỗ. Đến cuối năm nay, Viện Kiểm sát phải có báo cáo trước Quốc hội toàn bộ công tác tư pháp để xây dựng ngành tư pháp công bằng, dân chủ, thực hiện bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.


Dấu ấn kỳ họp


Qua trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên lề kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu đánh giá cao việc bố trí, tổ chức chương trình kỳ họp của các Ủy ban và Văn phòng Quốc hội đã bố trí tương đối hợp lý. Dấu ấn trong kỳ họp này là cử tri, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và cũng thấy hài lòng đó là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm cho các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.


Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) cho biết: Kết quả bỏ phiếu thể hiện đúng bản chất của công việc của các bộ các ngành, các cấp trong thời gian qua. Phản ánh đúng tình hình trong nước và nguyện vọng của cử tri. “Chúng tôi đánh giá cao lãnh đạo bộ của một số ngành đã có nhiều cố gắng, nhưng nhìn thẳng vào thực tế thì hoạt động ở một vài bộ chưa có chuyển biến mạnh. Ví như ngành giáo dục hay ngành y tế, bản thân các đồng chí lãnh đạo bộ như Bộ trưởng, Thứ trưởng…, các cơ quan chuyên môn đã có nhiều nỗ lực. Nhưng trên thực tế hệ thống giáo dục và đặc biệt là hệ thống bệnh viện phục vụ cho việc khám chữa bệnh đã quá tải. Những lộn xộn trong việc khám chữa bệnh… chậm được giải quyết đã làm cho số phiếu của các bộ trưởng giảm tín nhiệm. Nhưng qua đó cũng cho thấy những thách thức, những đòi hỏi để các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để làm sao đưa hoạt động của ngành mình được chấn chỉnh, đi vào nề nếp đáp ứng được yêu cầu của cử tri, của nhân dân”, đại biểu Giàng A Chu chia sẻ.


Qua câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ, những trả lời và cả những phát biểu ý kiến của đại biểu tại Hội trường cho thấy không khí nghị trường sôi nổi. Sự gắn kết giữa đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ được bỏ phiếu đều thiện chí, vô tư, trong sáng. Kết quả cho thấy tuy có những đồng chí có số phiếu tín nhiệm không cao lắm nhưng cũng cảm thấy vui vẻ chứ không có gì áp đặt.

 

Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN