Nhiều ý kiến cử tri với Quốc hội

Sáng 7/11, qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam, cử tri và nhân dân cả nước được theo dõi trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của cử tri qua theo dõi phiên thảo luận này.


Là người thực thi các chính sách pháp luật về đất đai, ông Nguyễn Minh Dũng, cán bộ địa chính phường Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Hầu hết các điểm “nóng” về đất đai nảy sinh ở khâu thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhiều vụ việc đã làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư, gây bức xúc cho cả người sử dụng đất, nhà đầu tư và chính quyền cơ sở. Trong đó, bất cập lớn nhất hiện nay là cách định giá đất. Theo quy định của Luật Đất đai 2003, việc đền bù đất phải sát với giá thị trường nhưng đến nay chưa có một đơn vị tư vấn nào đăng ký và được cấp phép dịch vụ tư vấn xác định giá đất; chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn quy trình, cách thức xác định giá đất sát giá thị trường là như thế nào. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các khiếu nại, tố cáo khi người dân cho rằng giá đền bù mà họ được nhận thấp hơn nhiều giá thị trường.


Luật sư Nguyễn Cẩm, Chủ nhiệm đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng nhận xét: Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai như: sự chồng chéo về văn bản pháp luật, không tuân thủ chính sách pháp luật của một bộ phận cán bộ địa chính, định giá đất quá chênh lệch giữa giá đất của cơ quan nhà nước và giá thị trường…


Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngân, Phó phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng đánh giá: Trong phiên thảo luận, một số đại biểu cũng đã đề cập đến vấn đề hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Việc làm này rất cần thiết để giúp người dân ổn định tâm lý và cuộc sống sau khi bị thu hồi đất. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các doanh nghiệp đón đầu người học nghề và tìm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho họ vẫn còn rất khó khăn. Vì vậy, cử tri mong Quốc hội ban hành chính sách cụ thể để thu hút các đơn vị chức năng tạo việc làm và bao tiêu đầu ra cho người dân bị thu hồi đất.


Ông Tống Lê Thắng, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau cho rằng: Công tác quản lý đất đai hiện nay chưa theo kịp với thực tiễn đang diễn ra trên phạm vi cả nước. Quản lý đất đai có quá nhiều đầu mối, manh mún dẫn tới chồng chéo, thậm chí không khớp với nhau. Tại Cà Mau, nhiều tranh chấp đất đai kéo dài hàng chục năm, khi xử lý các vụ việc chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng của địa phương và Trung ương.


Cử tri kiến nghị cần tăng cường chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết tranh chấp đất đai, mặt khác, cần có cơ chế xử lý nghiêm hành vi tố cáo sai, tố cáo không đúng sự thật.


Ông Phan Thông Minh, giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản tại Cà Mau nêu ý kiến, Nhà nước nên giao quyền sử dụng đất lâu dài cho dân, cho doanh nghiệp; cần công khai minh bạch trong công tác quy hoạch, giải tỏa, bồi hoàn thỏa đáng để người dân trong diện giải tỏa không phải chịu nhiều thiệt thòi.

 

TTN

Khắc phục bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai
Khắc phục bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai

Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Phiên thảo luận được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN