Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Phiên thảo luận được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
70% khiếu kiện là về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 đến năm 2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý trên 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%. Riêng từ năm 2008-2011, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%. Trong đó, số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28% và sai chiếm 52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và sai chiếm 54,2%.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn (Tiền Giang). Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính trong quản lý đất đai chủ yếu tập trung vào: Khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm khoảng 70%); về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đoàn giám sát nhận định: Đây là vấn đề phức tạp nếu không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tình hình khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do: Sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai; tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính. Bên cạnh đó phải kể đến sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. Mặt khác, hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo của một bộ phận người dân còn hạn chế và việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt, chưa thường xuyên, liên tục.
Sửa đổi Luật Đất đai là yêu cầu cấp thiết
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, các đại biểu đã đề xuất nhiều kiến nghị xung quanh nội dung này. Trong đó, yêu cầu cấp thiết là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp của Luật Đất đai phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hành chính; quy định rõ các quyền đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước; tạo khung pháp lý thống nhất trong việc giải quyết khiếu nại chính đáng để người dân được yên tâm.
Đại biểu Quốc hội Trương Thị Huệ (Thái Nguyên). Ảnh: An Đăng -TTXVN |
Chỉ rõ sự bất cập của Luật Đất đai hiện hành là nguyên nhân sâu xa dẫn đến khiếu kiện của người dân, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) kiến nghị gắn Nghị quyết giám sát về vấn đề này với việc sửa đổi Luật Đất đai hiện hành mà Quốc hội đang xem xét để giải quyết một cách căn cơ. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) kiến nghị: Trong sửa đổi Luật Đất đai, cần quy định bỏ hình thức chủ dự án tự thỏa thuận với dân; quy định giá đất bảo đảm nguyên tắc phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, để giải quyết những bất cập, việc khắc phục phải từ hai phía, vừa tháo gỡ những mâu thuẫn, chồng chéo về chính sách pháp luật vừa nghiêm túc, minh bạch, công khai trong khâu tổ chức thực hiện. Chính quyền cơ sở phải tâm huyết, năng động, cấp trên biết lắng nghe để việc ban hành chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống, hợp lòng dân.
Chính sách, pháp luật còn thiếu ổn định, đồng bộ
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cho rằng: Báo cáo giám sát đã đánh giá khá đầy đủ việc ban hành các chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Hệ thống văn bản được ban hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, hạn chế lớn nhất hiện nay là chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, có những quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể. Các chính sách liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất qua các năm thay đổi theo hướng có lợi cho người dân gây so bì về quyền lợi giữa những người dân có đất bị thu hồi tại thời điểm trước và sau khi có chính sách mới. Giá đất đền bù tại nhiều nơi chưa sát giá thị trường; có sự chênh lệch lớn giữa giá Nhà nước bồi thường và giá do nhà đầu tư thỏa thuận với người dân; giá đất tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giá đất nội thị, ngoại thị trong cùng một đô thị, giá đất giữa đô thị và nông thôn trong cùng một tỉnh còn có sự chênh lệch lớn, có một số nơi chênh lệch quá lớn.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nêu một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng khiếu kiện, nhất là khiếu kiện kéo dài, đông người về đất đai là do cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai vừa thiếu vừa yếu, có nơi còn có thái độ vô cảm, bàng quan với bức xúc của nhân dân. Ở nhiều địa phương, công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, để xảy ra vi phạm hoặc cố tình bao che vì lợi ích cá nhân, dòng họ, lợi ích nhóm.
Bên cạnh đó, hồ sơ địa chính lưu trữ không đảm bảo, không đầy đủ, chính xác, việc chỉnh lý biến động đất đai không được theo dõi, cập nhật thường xuyên, gây khó khăn cho việc giải quyết. Công tác thu hồi đất, xác định giá đất, diện tích, hỗ trợ bồi thường, tái định cư còn để xảy ra sai sót hoặc thiếu công khai, minh bạch. Có trường hợp cố tình sai để sách nhiễu, chây ỳ để hưởng lợi. Đại biểu Hồ Thị Thủy cho rằng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích xã hội, lợi ích doanh nghiệp và người bị thu hồi; chưa chú ý các vấn đề xã hội nảy sinh sau thu hồi đất. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số còn lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo để kích động, lôi kéo khiếu kiện đông người gây áp lực cho các cơ quan nhà nước. Vấn đề công bố giá đất hàng năm ở các địa phương chưa phù hợp thực tế cũng là một trong những nguyên nhân gây bức xúc.
Định giá đất bồi thường phải tham vấn cơ quan độc lập
Bức xúc trước nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo (KNTC) kéo dài, các đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên); Nông Thị Bích Liên (Hà Giang); Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng có đến quá nửa số KNTC về đất đai thời gian qua là đúng và đúng một phần. Tuy nhiên trên thực tế, chưa có nhiều trường hợp người đứng đầu chịu trách nhiệm về tình hình này. Các đại biểu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần sớm có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra nhiều KNTC kéo dài, tồn đọng đơn thư, KNTC vượt cấp.
Đại biểu Trương Thị Huệ đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa về chế độ đãi ngộ cho cán bộ cấp huyện và cấp xã trong giải quyết đơn thư KNTC. đại biểu Trương Thị Huệ thẳng thắn đề nghị Quốc hội đưa nội dung giải quyết đơn thư, KNTC thành một tiêu chí để xem xét, bỏ phiếu tín nhiệm.
Cùng quan điểm giá đất bồi thường phải trên cơ sở tham vấn các cơ quan độc lập, đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đưa ra quan điểm, chỉ nên áp dụng hình thức thu hồi đất khi sử dụng mục đích quốc gia, công cộng, còn các hình thức thu hồi khác thì phải được coi là trưng mua quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất nhằm hạn chế sự lạm quyền trong tổ chức thu hồi đất.
Ở góc độ khác, ĐB Trần Xuân Vinh đề nghị Quốc hội giám sát việc thực hiện Luật Bồi thường Nhà nước; yêu cầu xin lỗi người dân về những thiếu sót của mình trong giải quyết KNTC của công dân; ban hành chế tài đối với cơ quan, đơn vị kéo dài việc giải quyết KNTC của công dân; đồng thời có chế tài xử lý hành vi cố tình KNTC khi đã được Nhà nước bồi thường thiệt hại thỏa đáng.
Đề nghị Quốc hội sớm có chế tài xử phạt các hành vi cố ý khiếu kiện không đúng sự thật, gây mất ổn định xã hội, ĐB Nông Thị Bích Liên (Hà Giang) cho rằng: Cần tăng cường công tác chỉ đạo giải quyết khiếu nại, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quản lý Nhà nước về đất đai.
Yếu kém trong thi hành pháp luật làm phát sinh khiếu nại, tố cáo
Đánh giá Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong giải quyết KNTC về đất đai, nhưng xu hướng các vụ việc KNTC về đất đai tăng cho thấy hệ thống văn bản pháp luật về đất đai còn nhiều điều phải bàn, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) bức xúc: Quá trình giải quyết khiếu kiện về đất đai còn nhiều biểu hiện thờ ơ, vô cảm của một bộ phận cán bộ trong việc giải quyết KNTC của công dân, trong đó có vụ việc do cấp mình, ngành mình giải quyết chưa thỏa đáng, thậm chí có phần sai mà không dám thẳng thắn thừa nhận. ĐB Hoàng thẳng thắn đề nghị loại bỏ khỏi đội ngũ những đối tượng này.
Tiếp thu và đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận, bên cạnh hạn chế của hệ thống pháp luật, nhận thức của một bộ phận người sử dụng đất còn hạn chế thì nguyên nhân quan trọng là việc tổ chức thực hiện có vấn đề, dẫn tới khiếu kiện phức tạp, trong đó có sự thiếu trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ.
Chia sẻ với các đại biểu về giải pháp tháo gỡ tình hình, bên cạnh sửa đổi Luật Đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi những luật liên quan khác như Bộ Luật dân sự, Luật Giải quyết khiếu nại tố cáo; chấn chỉnh nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai của tất cả các cấp; nâng cao nguồn lực hiệu quả giải quyết tranh chấp của bộ, các địa phương.
Báo cáo với Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, qua rà soát, có 509 vụ việc khiếu nại và 19 vụ tố cáo tồn đọng kéo dài, có vụ việc đã kéo dài trên 30 năm, một số vụ việc kéo dài 20 năm và đã qua giải quyết của nhiều cấp, nhiều ngành, đã được 3-4 cấp hành chính giải quyết.
Tăng cường đối thoại để giải quyết KNTC
Từ thực tiễn giải quyết, Tổng thanh tra cũng kiến nghị các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương cần tích cực tham gia và tạo tiếng nói chung khi giải quyết các vụ việc ở địa phương. Quốc hội nên cử ra một Ủy ban giám sát chuyên đề thường xuyên về việc này. Đồng thời, ngay tại kỳ họp này, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết sau giám sát, trong đó chú trọng vấn đề chuyển đơn, thông báo công khai việc chấm dứt khiếu nại và chấm dứt thụ lý; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết KNTC.
Cùng quan điểm tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm quản lý, giải quyết KNTC về đất đai, phát huy vai trò của ĐB Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong giải quyết KNTC về đất đai, ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cũng đề nghị chính quyền các cấp cần tăng cường đối thoại dân chủ với công dân để giải quyết thấu đáo sự việc.
Đề cập những biện pháp giải quyết KNTC liên quan đến đất đai, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận, trên thực tế có những vụ án hành chính bị hủy, sửa, dẫn đến dư luận cho rằng thẩm phán có biểu hiện nể nang đối với chính quyền địa phương. Để khắc phục tình trạng này, Chánh án cho biết, ngành Tòa án đang tích cực triển khai Đề án xây dựng Tòa sơ thẩm cấp khu vực, xóa bỏ việc xét xử theo địa giới hành chính để đảm bảo tính độc lập của cơ quan xét xử.
Thanh Hòa - Quang Vũ