Qua đó, Hội đồng Nhân dân thành phố đã khẳng định, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, đánh giá những bất cập và hạn chế để đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2021.
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, mặc dù do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm của Hà Nội vẫn đạt được những kết quả nhất định. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng là 164.483 tỷ đồng, đạt 69,8% dự toán Trung ương giao và đạt 65,4% dự toán Thành phố giao, bằng 110,3% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I tăng 5,17%, gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ; quý II tăng 6,61%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,91 %.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đạt kết quả toàn diện, nổi bật và ấn tượng. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển bỉến tích cực. Việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện chủ động...
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 8 tháng của năm, thành phố Hà Nội dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng quý III, IV năm 2021 để chỉ đạo, điều hành phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với kế hoạch năm 2021. Theo đó, kịch bản cơ sở (kịch bản điều hành) là tăng trưởng kinh tế quý III giảm 0,81%, quý IV tăng 6,98% và dự báo cả năm đạt 4,54%. Kịch bản thấp là GRDP quý III giảm 0,98%, quý IV tăng 5,15% và cả năm dự kiến đạt 3,97%.
Để hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2021, trong những tháng cuối năm, cùng với việc làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, Hà Nội triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng đó, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tận dụng cơ hội chuyển hướng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài.
Tăng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp
Một trong những giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2021, thành phố Hà Nội tập trung đồng triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế. Theo đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thức đẩy thu hút đâu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả.
Tại kỳ họp, nhiều ý kiến đại biểu đưa ra đề xuất với thành phố tăng cường các giải pháp hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Quốc Oai đánh giá cao sự vào cuộc của thành phố trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khi triển khai tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP và khi thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng đặc thù của thành phố gồm 10 nhóm đối tượng chưa có trong Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương cũng đề nghị thành phố cần tuyên truyền rộng rãi các chính sách ưu đãi của Chính phủ và thành phố đến với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là chính sách về thuế và bảo hiểm. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bà Hương cũng mong muốn thành phố không chỉ có chính sách trước mắt hỗ trợ người dân và doanh nghiệp mà cần có chính sách lâu dài để hỗ trợ phục hồi sản xuất và đẩy mạnh phát triển. Đồng thời, được tiếp cận với đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2021-2025 của thành phố.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho biết, các doanh nghiệp rất mong muốn thành phố tăng đối thoại với doanh nghiệp, thậm chí được tham gia cùng xây dựng các quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Mê Linh mong muốn thành phố giảm phong tỏa diện rộng, chỉ nên khoanh vùng hạn chế; đồng thời triển khai tối đa công nghệ thông tin trong công tác chống dịch, lưu thông hàng hóa đảm bảo dịch vụ tối thiểu của người dân.
Trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay, đại biểu mong muốn Hà Nội có chính sách giãn và giảm thuế cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Cũng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn cũng đề xuất thành phố có cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, Ban xây dựng chính sách thành phố cần có sự tham gia của doanh nghiệp, tận dụng chất xám của họ để đưa ra những chính sách hợp lý.