Nhiều chuyển biến trong cải cách công vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 16/7, Kỳ họp thứ 17 HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chương trình cải cách hành chính về cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp.

Theo Nghị quyết của HĐND Thành phố, kết quả giám sát cho thấy, công tác cải cách hành chính của Thành phố thời gian qua được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Theo kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Bộ Nội vụ, năm 2023, Thành phố đạt 86,97 điểm, xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố (tăng về điểm số và thứ hạng, đạt 8/8 lĩnh vực đều cao hơn mức trung bình của cả nước), tăng ba bậc so với năm 2022 và tăng 10 bậc so với năm 2021. Về chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Thành phố đứng thứ 36 (đạt 81,78%) tăng 7 bậc và tăng 3,4% so với năm 2022.

Đối với công tác cải cách hành chính về tổ chức bộ máy, UBND Thành phố đã ban hành cơ bản đầy đủ các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố và các quy chế về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện. Thành phố kịp thời thành lập Sở An toàn thực phẩm và tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố Thủ Đức theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo theo quy định, đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Thành phố. 

Việc thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập cũng được quan tâm triển khai theo lộ trình. Công tác xây dựng Đề án và triển khai sắp xếp khu phố, ấp được thực hiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế. Các cấp chính quyền đã tích cực triển khai, bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức tương ứng với bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí…

Công tác cải cách chế độ công vụ cũng đạt kết quả tích cực. Việc cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc. Đề án vị trí việc làm của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập được thường xuyên cập nhật, bổ sung; đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa công chức giữ chức vụ lãnh đạo và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. 

Việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý bước đầu được thực hiện. Công tác tuyển dụng công chức, viên chức thường xuyên được đổi mới về phương pháp, cách thức, nội dung, ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức thi tuyển. Việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện định kỳ hằng quý, hằng năm theo quy định chung của Thành phố và việc phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch…

Nghị quyết của HĐND Thành phố cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như còn chậm trong việc ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố. Việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa hoàn thành theo mục tiêu đặt ra của Thành phố và yêu cầu của Trung ương.

Bên cạnh đó, còn tình trạng một số ít cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa chủ động tham mưu, đề xuất trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Một số công việc tiến độ giải quyết còn chậm so với thời gian quy định. Việc sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy đơn vị công lập chưa cao, đặc biệt là trong lĩnh vực Giáo dục, Y tế không đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

HĐND Thành phố giao UBND Thành phố thời gian tới tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính và công tác cải cách chế độ công vụ. Trong đó, nhấn mạnh đến yêu cầu khẩn trương hoàn thành và triển khai Đề án xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030; trong tháng 7/2024 phải rà soát, ban hành, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố và quy định về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện.

Đồng thời, Thành phố quan tâm thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm chỉ tiêu chung của toàn Thành phố: “Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính” và “giảm tối thiểu bình quân 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021”…

Đối với công tác cải cách chế độ công vụ, HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố triển khai việc việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức kết hợp giữa chỉ tiêu biên chế và yêu cầu công việc, vị trí việc làm, cần chú trọng đến năng lực, phẩm chất đạo đức; chú trọng xây dựng một số chính sách phù hợp để thu hút cán bộ, công chức, viên chức về công tác tại tuyến cơ sở. UBND Thành phố tiếp tục tập trung triển khai Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; quan tâm thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá và xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức…

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Thừa Thiên - Huế: Đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch
Thừa Thiên - Huế: Đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch

Ngày 16/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khai mạc Kỳ họp lần thứ 8, nhiệm kỳ 2021-2026 để thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN