Đồng chí Lê Hồng Sơn, người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, người học trò và cộng sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Nghệ An, có nhiều công lao đối với cách mạng Việt Nam và quê hương. Với những đóng góp và hy sinh to lớn của ông, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Nghệ An đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Chính trị, đề xuất bổ sung đồng chí Lê Hồng Sơn vào danh sách “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
Những năm tháng hoạt động sôi nổi
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - một vùng quê giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh yêu nước, năm 21 tuổi, người thanh niên Lê Văn Phơn đã rời quê hương để sang Thái Lan, bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng với tên gọi mới là Lê Hồng Sơn.
Từ đó, đồng chí Lê Hồng Sơn đã trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy chông gai, thử thách. Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với phong trào yêu nước, đấu tranh thời kỳ trước khi có Đảng và trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1923, ông cùng một số đồng chí tách khỏi Việt Nam Quang phục hội, thành lập một tổ chức yêu nước mới, lấy tên là Tâm Tâm xã với những hoạt động cách mạng mới mẻ, gây được tiếng vang lớn. Năm 1924, ông là người hỗ trợ cho đồng chí Phạm Hồng Thái ám sát Toàn quyền Đông Dương Merlin ở Khách sạn Victoria, Sa Diện, Quảng Châu, nhưng không thành. Năm 1925, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên) và trở thành cánh tay đắc lực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1929, đồng chí Lê Hồng Sơn là người giữ vai trò quan trọng trong việc thành lập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Ông cùng với đồng chí Hồ Tùng Mậu góp phần tích cực trong việc hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 tại Cửu Long (Hương Cảng). Ngày 26/9/1932, ông bị mật thám Pháp bắt ở Thượng Hải, giải về Việt Nam giam ở nhà lao Vinh, sau đó đem ra xét xử và bị thực dân Pháp kết án tử hình.
Trong suốt 13 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Sơn được Đảng giao cho những nhiệm vụ khác nhau để hoạt động. Dù nhiều lần bị địch bắt và dùng mọi thủ đoạn tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ nhưng không khuất phục được bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung.
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của nhà cách mạng Lê Hồng Sơn (29/6/1899 - 29/6/2024), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An” để đánh giá công lao to lớn của nhà cách mạng tiền bối này. Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Đây cũng là căn cứ quan trọng để xây dựng báo cáo kiến nghị trình Bộ Chính trị, đề xuất bổ sung đồng chí Lê Hồng Sơn vào danh sách “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”. Đồng thời là cơ sở khoa học để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và cơ quan chuyên môn liên quan nghiên cứu, làm sáng tỏ những khoảng trống, điểm chưa rõ về cuộc đời và hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn. Cùng với đó, tỉnh Nghệ An nghiên cứu, sưu tập, bổ sung tư liệu, hiện vật về hoạt động của đồng chí Lê Hồng Sơn. Tỉnh tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên sâu để khẳng định đầy đủ, công tâm, khách quan những đóng góp của đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An.
Đổi thay trên quê hương Nam Đàn
Ông Biện Văn Trung, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn cho biết, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn đã đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh và cả nước biết, hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp, công lao của đồng chí Lê Hồng Sơn. Huyện cũng kết nối khu tưởng niệm Lê Hồng Sơn với các di tích trên địa bàn như Khu di tích đặc biệt Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Khu di tích vua Mai… phục vụ du lịch và giáo dục truyền thống. Huyện Nam Đàn có lộ trình để tôn tạo, nâng cấp và mong muốn cấp trên ủng hộ để mở rộng khuôn viên, nâng cấp một số hạng mục nhà lưu niệm Lê Hồng Sơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đến tham quan, coi đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước.
Đại tá Quân đội Lê Đăng Quế (thân nhân nhà cách mạng Lê Hồng Sơn) cho biết, các thế hệ con cháu mong muốn các sở, ngành, chính quyền địa phương đầu tư, mở rộng khuôn viên Khu lưu niệm của cụ Lê Hồng Sơn; nâng cấp, làm tuyến đường nối từ Quốc lộ 46 vào khuôn viên khu lưu niệm và nhà cụ. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ, đầu tư hơn nữa cho xã Xuân Hòa nói riêng, huyện Nam Đàn nói chung đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2025.
Phát huy truyền thống quê hương Xô viết anh hùng, học tập tấm gương đồng chí Lê Hồng Sơn và các thế hệ tiền bối, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, Nam Đàn là một trong 4 huyện của cả nước được Chính phủ lựa chọn để thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025.
Nam Đàn hiện có 13/18 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “Văn hóa gắn với du lịch”.
Tại các xã trên địa bàn huyện Nam Đàn, đường làng, ngõ xóm đã được mở rộng, khang trang, sạch đẹp. Trên các tuyến đường, đoàn viên, thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... trông coi vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo an ninh trật tự.
Chị Trần Thị Kiều Oanh, Bí thư Đoàn xã Nam Thanh cho biết, phát huy vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng nông thôn mới, Đoàn xã đã chung tay góp phần xây dựng nhiều tuyến đường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn. Nổi bật là tuyến đường từ chùa Viên Quan đến khu chợ mới. Trên các tuyến đường này, Đoàn xã tích cực vận động người dân và nhà hảo tâm xây dựng “tuyến đường cờ” (cờ Tổ quốc được cắm hai bên đường). Ngoài ra, hai bên đường được lắp các thùng rác để người dân phân loại rác. Hằng tháng, Đoàn xã tổ chức hoạt động làm sạch môi trường, tổng dọn vệ sinh, bảo vệ các tuyến đường trên địa bàn xã.
Cùng với đó, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều sản phẩm OCOP, vừa nâng cao được giá trị nông sản trên địa bàn, tăng thu nhập cho người dân, vừa là sản phẩm phục vụ du lịch. Đến nay, trên địa bàn huyện có 69 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm 4 sao, 60 sản phẩm 3 sao.
Ông Phạm Kim Tiến, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác cho biết, các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã được bày bán rộng rãi tại nhiều nơi, địa bàn, đặc biệt là tại khu, địa điểm du lịch. Sản phẩm được cấp bằng bảo hộ nên Hợp tác xã tự tin khi đưa đến tay người tiêu dùng, nhất là khách du lịch và nhận được sự phản hồi rất tích cực từ du khách.