Cuộc gặp của chúng tôi vào giữa những ngày các thế hệ người làm thông tấn đón một tin vui chung: TTXGP vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Ký ức về những năm tháng chiến tranh trở về trong câu chuyện của chúng tôi với những kỷ niệm sống động nhất.
Nhà báo (NB) Nghiêm Sỹ Thái cho biết: Lực lượng TTXGP ở Trị Thiện được thành lập từ năm 1966, sau khi khu Trị Thiên tách ra từ khu V, lúc đầu gồm có phân xã dân chính và phân xã quân đội, đến năm 1971 thì được nhập làm một, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ Trị Thiên, có thời kỳ do đồng chí Hồ Tú Nam, chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên kiêm phân xã trưởng, các nhà báo Đoàn Dũng và Nguyễn Đình Thuyên làm phó phân xã trưởng.
Bên quân đội lúc đầu có các anh Trần Doãn Yến, Xuân Ngân , Võ Phi Sáu... Bên dân chính có các phóng viên Phạm Tuân, Thanh Phong, Đào Phương Nguyên, Đặng Đình Loan, Nghiêm Sỹ Thái, sau tăng cường các anh Võ Văn Thái, Phan Sâm, Phạm Vũ Bình, anh Thanh (không nhớ họ). Điện báo viên có các đồng chí Đặng Dũng (trưởng đài ), Nguyễn Văn Luận, Bùi Ngoạn và một số đồng chí khác. Nhà báo Phan Tuân hy sinh trong Tổng tiến công Mậu Thân, 1968; các nhà báo Phạm Vũ Bình và Thanh; các điện báo viên Phan Đăng Oanh, Đỗ Văn Thịnh cũng hy sinh sau đó...!
Sau hiệp định Paris, lực lượng phóng viên được tăng cường một số đồng chí. Khi ấy, do đặc điểm tình hình, lực lượng chung đã được tách ra thành các phân xã Quân đội, phân xã Thừa Thiên- Huế (NB Nghiêm Sỹ Thái là phân xã trưởng) và Phân xã Quảng Trị (NB Thanh Phong là phân xã trưởng). Từ Hà Nội tăng cường cho Thừa Thiên - Huế thời kỳ này có các PV Khiếu Đăng Dịu, Phạm Hồng Hoá, Nguyễn Viết Sinh, Trần Đình Bình; cho Quảng Trị có các PV Đỗ Tráng, Mai Văn Minh và nữ phóng viên Trần Thị Kim Quy.
Bên cạnh đó, trong các chiến dịch lớn như Đường 9- Nam Lào, Tổng tiến công 1972, các hoạt động sau khi ký hiệp định Paris 1973, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, trên địa bàn Trị Thiên còn có các lực lượng các phóng viên VNTTX trực tiếp từ Hà Nội vào, hoạt động tại Phân xã B Vĩnh Linh và Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 phối hợp cùng tác nghiệp.
Theo NB Nghiêm Sỹ Thái, những người làm thông tấn Trị Thiên đã trải qua những năm tháng vô cùng ác liệt, nhất là từ sau Mậu Thân 68. Đối phương càn quét liên tục, phi pháo suốt ngày đêm. Đi về cơ sở, xuống đồng bằng nguy hiểm đã đành, ở căn cứ ác liệt cũng không kém. Cái chết rình rập trong gang tấc. Sốt rét, bệnh tật, thiếu đói triền miên luôn là những thách thức phải vượt qua.
Với rất nhiều hy sinh gian khó, các phóng viên TTXGP trên địa bàn Trị Thiên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vào các thời kỳ khác nhau của chiến tranh, đặc biệt là trong Tổng tiến công Mậu Thân 68, giải phóng thành phố Huế; trong chiến dịch A Lưới khi hàng sư đoàn Mỹ tham chiến; các chiến dịch đường 9- Nam Lào, Tổng tiến công 1972...; đóng góp hàng ngàn tin, bài, hình ảnh cho dòng thông tin của TTXGP trong suốt quá trình hoạt động của mình.
Về những kỷ niệm riêng, NB Nghiêm Sỹ Thái kể về những ngày ông cùng các lực lượng quân đội vào Huế Mậu Thân 68 cũng như các chiến dịch khác; về bức ảnh chụp tàu chiến địch cháy trên sông Hương, ông đứng gần đến mức với ống kính bình thường, con tàu kín cả khuôn hình; về những lần sốt rét thập tử nhất sinh, như có có phép màu mới đưa ông từ cõi chết trở về... và nhiều kỷ niệm khác.
Tôi chú ý những câu chuyện Nghiêm Sỹ Thái kể về muối, thứ cần thiết hàng đầu trong cuộc sống ở chiến trường miền Trung ngày ấy. Nghiêm Sỹ Thái nhớ, năm 1972, khi hai phân xã quân đội và dân chính hợp thành một, ông Trung, trưởng đài điện báo bên quân đội nói với ông, bên ấy vẫn còn nợ 15 lon muối vay đơn vị bạn mà chưa trả được. Nghiêm Sỹ Thái phải cùng anh em bên quân đội ngược rừng từ căn cứ lên tận các kho hậu cần trên đường mòn Hồ Chí Minh, tìm mọi cách quan hệ, kể cả việc chụp ảnh cho các chiến sĩ coi kho, để xin được một gùi muối về trả nợ.
Một lần khác, Nghiêm Sỹ Thái đi công tác, gặp chỉ huy một đơn vị quân đội ngăn lại, xin một ít muối vì cả đơn vị thiếu muối ăn đã nhiều ngày. Trong gùi Nghiêm Sĩ Thái khi ấy có 4 lon muối, ông đưa cho các chiến sĩ ba lon rưỡi, chỉ giữ lại nửa lon cho mình. Đồng chí chỉ huy như bắt được vàng, tha thiết xin các ông rẽ vào cho tập thể đơn vị được cảm tạ rồi mới tiếp tục lên đường.
Cuộc trò chuyện với NB Nghiêm Sỹ Thái giúp tôi cảm nhận sâu sắc một điều: Làm nên sự nghiệp anh hùng của TTXGP là sự đóng góp hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên trên tất cả các chiến trường, qua nhiều thời kỳ gian khó hy sinh. Hơn nửa thế kỷ đã qua, đối với NB Nghiêm Sỹ Thái và các đồng nghiệp của ông, ký ức về một thời gian khó hào hùng mãi theo cùng năm tháng.