Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Người lãnh đạo thẳng thắn, bình dị

“Anh Trương Vĩnh Trọng qua đời, đó là điều rất tiếc thương đối với anh em đồng chí, với nhân dân. Anh bị bệnh nhiều năm, con người lạc quan mới giữ được đến hôm nay ra đi”.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xúc động chia sẻ cảm nghĩ của mình khi hay tin nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng từ trần vào rạng sáng 19/2, sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tiếp Đoàn đại biểu gia đình chính sách, gia đình có công với Cách mạng của hai tỉnh Gia Lai và Kiên Giang, ngày 23/5/2007, tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

* Người cán bộ lăn lộn với phong trào cách mạng 

Đã từng có một thời gian gắn bó công tác, ông Phạm Thế Duyệt bồi hồi nhớ về người đồng chí mà ông rất quý trọng. 

“Anh Trọng với tôi không có điều kiện công tác gần nhau nhiều, nhưng cũng biết anh từ sớm vì ngay ở khóa VI, anh đã tham gia vào Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng và công tác ở huyện Giồng Trôm. Cho nên tôi cũng có tìm hiểu và biết về quá trình công tác của anh, là một đồng chí trưởng thành từ cơ sở rất sớm”, ông Phạm Thế Duyệt nói. 

Những năm 1960-1961, trong không khí sục sôi của những ngày Đồng khởi tại quê hương Bến Tre, người thanh niên Trương Vĩnh Trọng, còn được gọi với cái tên đậm chất Nam Bộ là Hai Nghĩa, khi đó mới chỉ 18 tuổi, đã hăng hái tham gia công tác vận động phong trào học sinh đấu tranh và các hoạt động kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau quãng thời gian bị địch bắt và tù đày, từ những năm 1962-1963, Hai Nghĩa thoát ly làm cách mạng và được kết nạp vào Đảng tháng 10/1964. 

Người chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi được tổ chức Đảng tin tưởng giao nắm giữ nhiều cương vị trong huyện, trong tỉnh của Bến Tre như cán bộ, ủy viên Tiểu ban Giáo dục tỉnh Bến Tre; Ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Đảng ủy viên Khối Tuyên huấn giáo dục tỉnh... 

“Trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên, anh đã lăn lộn với phong trào cách mạng như vậy là rất quý và cũng là tấm gương cho anh em học sinh, sinh viên, thanh niên học tập”, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh. 

* Người lãnh đạo thẳng thắn, không khoan nhượng với tiêu cực 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), ông Trương Vĩnh Trọng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Khi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa VI, ông đang là Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Tiếp đó, ông làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre (từ tháng 4/1987-6/1991) và sau đó được điều động về Trung ương, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau.

Đề cập về giai đoạn cùng làm việc với ông Trương Vĩnh Trọng ở Trung ương, ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ, dù ở cương vị công tác nào, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Nhắc đến mốc thời gian năm 2000, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt nhớ lại, thời điểm đó tỉnh Đồng Tháp gặp khó khăn trong công tác cán bộ lãnh đạo, Trung ương đã cử ông Trương Vĩnh Trọng làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Dưới sự lãnh đạo của ông, Đồng Tháp từ một tỉnh gặp khó khăn trong công tác bồi dưỡng, phát triển cán bộ kế cận đã xây dựng được nhiều lớp cán bộ mà như ông từng nói là phải “có tâm, có tầm”. 

“Đây là sự tin cậy của Đảng và sự quý trọng của nhân dân Đồng Tháp. Khi về làm Bí thư, anh đã tạo ra sự hòa hợp và đoàn kết trong lãnh đạo, nhân dân Đồng Tháp. Sau đó, anh lại được điều ra Trung ương để làm các công việc của Ban Nội chính Trung ương, rồi đến khóa X làm Phó Thủ tướng. Tất cả quá trình công tác ấy với một đồng chí trưởng thành từ cơ sở, tham gia tới 5 khóa Trung ương: khóa VI, VII, VIII, IX, X; tham gia 2 khóa Ban Bí thư, trong đó có 1 khóa vừa Ban Bí thư, vừa Bộ Chính trị, đã chứng tỏ uy tín, tình cảm, đạo đức và phẩm chất cách mạng của anh rất đáng quý trọng”, ông Phạm Thế Duyệt nói. 

Tháng 4/2001, ông Phạm Thế Duyệt thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương và giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở cương vị mới, ông Phạm Thế Duyệt vẫn có mối quan hệ công việc với nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, khi đó làm Trưởng ban Nội chính Trung ương, rồi Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc. Trong mối quan hệ ấy, hai ông Phạm Thế Duyệt và Trương Vĩnh Trọng thường xuyên có những việc phải bàn bạc, đặc biệt là các vụ việc xem xét xử lý cán bộ hay chống tham nhũng, tiêu cực. 

Dư luận nhân dân cả nước hẳn vẫn chưa quên vụ án “Năm Cam và đồng bọn” năm 2001. Khi đó, ông Trương Vĩnh Trọng với cương vị là Trưởng ban Nội chính Trung ương đã trực tiếp tham gia chỉ đạo xử lý vụ án có liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao ở Trung ương và bộ máy tư pháp với tinh thần quyết liệt, bản lĩnh, góp phần ngăn chặn cái xấu len lỏi vào trong nội bộ hệ thống công quyền của chế độ.

Trong các buổi họp sau này giữa Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và có lúc họp trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Trương Vĩnh Trọng cũng đưa ra những ý kiến trực diện, đấu tranh với những sai trái, phân tích có lý, có tình, rất rõ ràng. 

“Anh Trương Vĩnh Trọng là người hăng hái. Nhiều vấn đề, anh cũng rất thẳng thắn, chân chất, có điều gì thì nói rất đúng, rất chính xác. Đó là điều mà tôi luôn ghi nhớ và rất quý trọng tinh thần, hình ảnh của người đảng viên trưởng thành từ cơ sở; tinh thần của người lãnh đạo tham gia nhiều khóa làm công tác bảo vệ nội bộ đảng”, ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ. 

* Từ lãnh đạo cấp cao đến một lão nông bình dị 

Tháng 10/2011, ông Trương Vĩnh Trọng được nghỉ hưu hưởng chế độ. Trở về an dưỡng tuổi già tại quê nhà xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, ông luôn nêu cao tính gương mẫu của một đảng viên lão thành, khoác áo nông dân hăng say lao động cải tạo vườn nhà trở thành một khu vườn cây ăn quả, dược liệu, rau xanh kiểu mẫu; qua đó góp phần tạo nên sự giàu đẹp của quê hương Bến Tre nghĩa tình. 

“Đến thăm gia đình anh, tôi rất ấn tượng bởi một con người đã từng lăn lộn với công việc, được Đảng giao ở những vị trí cao trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ở các ban đảng, Phó Thủ tướng, nhưng khi về nghỉ hưu lại là con người thể hiện bản chất lao động cần cù của người nông dân Nam Bộ, không những vậy lại là người nông dân sáng tạo, trồng các vườn cây ăn quả rất xum xuê”, ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ kỷ niệm trong chuyến thăm nhà riêng của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. 

“Tôi muốn nói rằng, tất cả thế hệ thanh niên, học sinh hãy nhìn vào con người bình dị ấy để suy nghĩ về việc phấn đấu rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương liêm chính, cần kiệm; sống cuộc sống của dân, bình dị. Đó là ấn tượng tôi có thể nói về anh Trương Vĩnh Trọng, hôm nay anh ra đi, tôi rất suy nghĩ và đánh giá rất cao về những điều đó. Chính những hình ảnh ấy là nguồn động viên chúng tôi phải phấn đấu cùng nhau tu dưỡng đạo đức của một người đã từng có trách nhiệm với Đảng, với nhân dân”, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt nói.

Việt Đức (TTXVN)
Thông tin lễ tang đồng chí Trương Vĩnh Trọng
Thông tin lễ tang đồng chí Trương Vĩnh Trọng

Lễ tang đồng chí Trương Vĩnh Trọng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, được tổ chức theo nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN