Đoàn kết để xây dựng quê hương, đất nước
Trong thời gian Quốc tang, tại phòng họp của UBND xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, bàn thờ có di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được lập trang trọng bên dưới bục, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều cán bộ, đảng viên và người dân xã Hành Thịnh đã cùng đến thắp hương tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính khi không có điều kiện ra Hà Nội viếng Tổng Bí thư.
Là địa phương vinh dự được Tổng Bí thư về thăm, chúc Tết năm 2012 và nhắc nhiều lần đến tinh thần đoàn kết, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hành Thịnh vẫn nhớ Tổng Bí thư căn dặn: Trong chiến tranh, quân và dân ở Hành Thịnh đã anh dũng, ngoan cường chiến đấu, do vậy, ở thời bình càng cần phải thực sự đoàn kết bởi đây là kim chỉ nam để xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc. Được gặp trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo dõi, ủng hộ những việc Tổng Bí thư đã làm cho đất nước, cho dân tộc, ông Huỳnh Xuân Vinh cho rằng, người dân Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ công lao của Tổng Bí thư đã dành trọn đời cho cách mạng, dân tộc ta.
Gắn kết tôn giáo đồng hành cùng dân tộc
Sáng 26/7, tại Việt Nam Quốc Tự (Quận 10, TP Hồ Chí Minh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố trang trọng tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức Phật giáo.
Tại lễ viếng, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam xúc động ôn lại cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang, những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhân dân và đất nước. Hòa thượng Thích Trí Quảng đã trân trọng thực hiện nghi thức dâng hương, dâng trà tưởng niệm, bày tỏ niềm kính tiếc trước di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đại diện Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cùng các chư tôn đức tăng Ni, phật tử, người yêu mến Phật giáo đã trang nghiêm thực hành nghi thức dâng hương tưởng niệm, thể hiện tình cảm tiếc thương đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo Thượng tọa Thích Thiện Quý, Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh, trong suốt chặng đường phụng sự cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quan tâm đến Phật giáo TP Hồ Chí Minh, tạo điều kiện để Phật giáo Thành phố có cơ hội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Phật sự, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, đạt được những thành quả hết sức trân trọng. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự mất mát lớn đối với Đảng, Nhà nước, toàn dân và của dân tộc.
Lễ tưởng niệm góp phần lan tỏa tấm gương đạo đức, tinh thần cách mạng của Tổng Bí thư đến tăng ni, Phật tử và những người yêu mến đạo Phật; giáo dục giới tăng ni, phật tử có ý thức gắn kết các hoạt động Phật sự với các nhiệm vụ chung của toàn dân tộc, cùng đồng hành với Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.
Tại một số trụ sở, tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã thiết lập hương án, trang trọng đặt di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để các tăng ni, Phật tử và người dân không có điều kiện tới dự Lễ viếng tại Hội trường Thống Nhất thắp hương, tưởng niệm Tổng Bí thư.
Nguyện lao động, cống hiến vì đất nước
Sáng 26/7, tại Công ty Compass 2 thuộc Khu công nghiệp VSIP 1, tỉnh Bình Dương, hàng trăm công nhân đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do tính chất công việc và số lượng nhân viên đông, các ca làm phải chia ra từng bộ phận để thực hiện lễ tưởng niệm. Trong không khí trang nghiêm, mỗi người đều mang trong mình lòng kính trọng và tiếc thương vô hạn đối với nhà lãnh đạo tài năng, tận tụy của đất nước.
Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Haksan Vina, hàng trăm công nhân ôm di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đứng xếp hàng ngay ngắn, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ. Nhiều công nhân không thể kìm nén xúc động, nước mắt lăn dài, nhớ đến người lãnh đạo đã làm việc không ngừng nghỉ cho đến giây phút cuối cùng.
Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Tổng công ty Toàn Mỹ tại thành phố Thuận An cũng thực hiện một phút mặc niệm trước khi vào nhà máy làm việc.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Kim Loan làm trưởng đoàn, đã thay mặt cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động toàn tỉnh tới dâng hương, dâng hoa kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Tại lễ viếng, bà Nguyễn Kim Loan ghi sổ tang: "Nguyện tiếp tục phấn đấu và cống hiến bằng cả trái tim, trách nhiệm của mình để thực hiện di nguyện của Tổng Bí thư; tiếp tục phấn đấu xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng hiện đại, xây dựng tổ chức Công đoàn Bình Dương nói riêng và Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh; quyết tâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam vững bền và giàu đẹp hơn”.
Chị Nguyễn Thụy Thắm (Phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An) đã viết bài thơ "Kính viếng bác Trọng": Cả nước nghiêng mình đón Người đi/ Tổ tiên vững tâm đón Người về/Cháu con nguyện tiếp trang sử Việt/ Thương nhau, đoàn kết, ấm tình quê/ Bác Trọng vẫn bên mỗi nếp nhà/ Trong tâm, trong trí, trong lòng ta/ Thương bác, chúng ta làm việc tốt/ Đừng buồn, bác Trọng không đi xa!
Chị Thắm nhớ Tổng Bí thư đã từng nói "danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất" trong cuộc đời mỗi con người nên chị nguyện đề cao tính kỷ luật kỷ cương trong công tác, xem đây là yếu tố quan trọng để thành công, cống hiến cho đất nước.
Bà Quách Thanh Vân, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long bày tỏ, bà vô cùng kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - tấm gương luôn hết lòng chăm lo cho dân, cho nước, có phong thái giản dị, gần dân, luôn lắng nghe, đồng cảm với dân. Bà cũng ấn tượng với những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuy nhẹ nhàng nhưng lắng đọng và có ý nghĩa hết sức sâu sắc, là lời răn dạy cho mọi người làm theo. Bà chia sẻ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong hơn 25 năm gắn bó với các công việc thiện nguyện, bà đã đóng góp, vận động tổng giá trị phúc lợi xã hội gần 70 tỷ đồng để chăm lo cho người nghèo, khuyết tật. Niềm vui lớn nhất của bà chính là khi đem lại nụ cười cho những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống. Noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Vân nguyện sẽ tiếp tục cống hiến hết sức mình cho công tác thiện nguyện khi sức khỏe còn cho phép. “Cuộc sống vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, tôi vẫn cố gắng làm cầu nối đưa những tấm lòng hảo tâm đến với người yếu thế, người nghèo, khó khăn", bà chia sẻ.
Vào năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên dự Ngày hội Đại đoàn kết. Đến nay, nhân dân thôn Trai Trang luôn khắc ghi hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư hiền từ, đức độ, nhà lãnh đạo có uy tín với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đoàn Cựu chiến binh của thôn Trai Trang đã đến làng Lại Đà (xã Đông Hội, thị trấn Đông Anh, Hà Nội) để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đại tá Nguyễn Văn Minh, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học - Môi trường quân sự (Bộ Tư lệnh Hóa học), bạn học cùng khóa với Tổng Bí thư tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thay mặt đoàn xúc động ghi sổ tang: "Chi hội Cựu chiến binh và nhân dân thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên vô cùng xúc động, thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Người dân Trai Trang luôn khắc ghi hình ảnh thân thương, gần gũi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Người dân nơi đây ghi nhớ mãi lời dạy của Tổng Bí thư về đoàn kết để tạo ra sức mạnh, đoàn kết mới thành công".