Ý kiến cán bộ, đảng viên về Hội nghị Trung ương 4:

Nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới phù hợp thời kỳ 'hậu COVID-19'

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội thu hút sự quan tâm rộng rãi của các giới, các ngành, các cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân tại Tiền Giang.

Đặc biệt, dư luận đánh giá cao bài phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trúng những vấn đề bức thiết hiện nay, làm cơ sở đưa ra những giải pháp tập trung lãnh đạo thực hiện trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, sáng 7/10/2021. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Cần có kịch bản tăng trưởng mới phù hợp thời kỳ “hậu COVID-19”

Bà Nguyễn Thị Xuân Hà, cán bộ hưu trí (Phường 5, thị xã Cai Lậy) tán thành với đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. Những bài học thực tiễn từ ứng phó đại dịch đúc kết được là cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sao cho hiệu quả thiết thực.

Thực tế cho thấy, đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn trong những tháng cuối năm 2021 và các năm tiếp theo bởi đại dịch COVID-19. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh. Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề đưa đến nhiều hệ lụy…

Bà Hà cho rằng, Tổng Bí thư đánh giá rất xác đáng về dự báo không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra của năm 2021. Cùng với hệ quả tác động dịch bệnh nói chung cũng còn có sự chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất tại một số nơi khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do vậy, trong những tháng cuối năm 2021, các cấp, các ngành cần phải khẩn trương xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với tình hình thực tế và có tính khả thi cao nhằm phấn đấu kiểm soát cơ bản dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hà, trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư, các địa phương trong đó có tỉnh Tiền Giang cần sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu COVID-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Người dân mong muốn các giải pháp địa phương đưa ra cần cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và khả thi khi tỉnh Tiền Giang đang dần trở lại trạng thái bình thường mới. Đồng thời, để giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội đi vào đời sống phải gắn với những biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bệnh tái bùng phát trở lại.

Là một đảng viên, cán bộ hưu trí công tác trên lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bà Hà bày tỏ mong muốn được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ và nâng cao nhận thức của nhân dân về nguy cơ cũng như những biện pháp hữu hiệu ngăn đại dịch tái bùng phát để ổn định và khôi phục sản xuất, đời sống. Đó là trách nhiệm của mỗi người nhằm đưa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước vào đời sống thời kỳ “hậu COVID-19”.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Đảng viên Huỳnh Văn Nguyện, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang cho rằng từ khi thành lập ngày 3/2/1930 đến nay, Đảng ta đều đề ra những nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đây cũng là nhiệm vụ then chốt cùng với nhiệm vụ trung tâm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển kinh tế, xây dựng quê hương đẹp giàu như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Nguyện nhận xét, cái mới của Hội nghị Trung ương lần này là đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị, cụ thể hóa được tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ rằng “Ý thức được nguy cơ đối với Đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa, biến chất,…nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn”. Đây là định hướng quan trọng để cán bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng quyết tâm thực hiện nhiệmvụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa…trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Theo đó, cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm trong sạch đội ngũ. Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới; kịp thời ngăn chận tình trạng suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân địa phương rất hoan nghênh công tác đấu tranh chống tham nhũng hết sức quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua nhằm làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của cả hệ thống chính trị, tạo niềm tin trong nhân dân dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Từ thực tiễn tại địa phương, theo ông Huỳnh Văn Nguyện, trong thời gian tới để đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào chiều sâu, củng cố và nâng cao sức mạnh cả hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ theo nghị quyết đề ra thì công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở các cơ sở, tổ chức Đảng cần được quan tâm hơn nữa. Việc này cũng như phải thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc gắn với đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mặt khác, địa phương phải phát huy được vai trò giám sát, phản biện, xây dựng, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các đoàn thể chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Ông Nguyện cũng mong muốn các cán bộ, đảng viên tích cực góp tiếng nói của mình, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ hôm nay luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và kiên trì con đường cách mạng mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, cùng xây dựng quê hương mỗi ngày thêm giàu đẹp và vững mạnh.

Minh Trí (TTXVN)
Ý kiến cán bộ, đảng viên về Hội nghị Trung ương 4: Thẳng thắn, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng
Ý kiến cán bộ, đảng viên về Hội nghị Trung ương 4: Thẳng thắn, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN