Các bệnh nhân còn lại đang điều trị đều đã ổn định sức khoẻ, trong đó có 4 bệnh nhân nặng đã tiến triển tốt, 3 bệnh nhân trong số này đã có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
"Khóa bên ngoài, cách ly bên trong"
Chiều 3/4, phát biểu tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương chung là không làm suy giảm tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg; cần thực hiện nghiêm hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, cả nước đã có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, phong tỏa, xử lý các vi phạm quy định về cách ly, tụ tập đông người trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, các địa phương và các cấp, các ngành của Trung ương đã thực hiện rất nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg với mục tiêu không được để “vỡ trận”, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng ở mức độ cao. Việc cách ly cũng được thực hiện nghiêm túc theo phương châm “khóa bên ngoài và cách ly bên trong”. Quy luật rút ra trên thế giới là nơi nào chống dịch kiên quyết thì nơi đó kinh tế phát triển, phục hồi và ngược lại.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận xét một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16/CT-TTg có biểu hiện máy móc và chưa đúng ý nghĩa của việc giãn cách xã hội. Đây là giai đoạn cần huy động tổng lực phòng, chống dịch COVID-19 trong vòng 15 ngày, do đó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần phối hợp nhịp nhàng hơn, nhuần nhuyễn hơn; cần làm nhanh nhưng phải chính xác.
Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan báo chí đã đưa tin đậm nét về những tấm lòng nhân ái theo hướng cổ vũ “sức mạnh Việt Nam” trong phòng chống dịch COVID-19.
Đánh giá về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng nhận xét việc khoanh vùng, xử lý các ổ dịch, nhất là từ Công ty Trường Sinh (Bệnh viện Bạch Mai), quán bar Buddha tại TP Hồ Chí Minh đã được thực hiện hiệu quả.
Ghi nhận thành tích của ngành y tế trong điều trị các bệnh nhân COVID-19 ngày càng có nhiều ca được công bố khỏi bệnh.
Trước bối cảnh gia tăng hết sức phức tạp của dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, Thủ tướng lưu ý: Nếu không cương quyết, không thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thì sẽ vấp phải bệnh chủ quan và dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong cộng đồng; cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong triển khai các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một cách đồng bộ ở các cấp, các ngành.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; chuẩn bị trước các tình huống phức tạp, đẩy nhanh hơn việc tự chủ các trang thiết bị y tế, nhất là máy thở. Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cần chủ động xây dựng đầy đủ kịch bản cho những tình huống dịch lan rộng; chuẩn bị các thủ tục để cơ quan có thẩm quyền quyết định khi cần thiết, tránh bị động, lúng túng.
Về nguyên tắc phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường phát hiện sớm để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. “Xã hội chậm lại, nhưng những người làm công tác phòng, chống dịch, các lực lượng, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành y tế cần tăng tốc, tăng tốc hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu chuẩn bị tốt kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến, trưng dụng các khách sạn, trường học khi cần thiết trong thời gian nhanh nhất.
Tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác điều trị
Dự hội chẩn trực tuyến với các điểm cầu về điều trị các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 ngày 3/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 khẳng định: Người dân Việt Nam rất cảm ơn, tự hào về đội ngũ y, bác sỹ. Về công tác phòng dịch, đến giờ này, Việt Nam đã kiên trì các bước mang tính nguyên tắc, làm tốt việc phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch nên dù có những ổ dịch nhưng vẫn được kiểm soát chặt.
Việt Nam tự hào đã giữ được số lượng người mắc COVID-19 thấp hơn nhiều so với đánh giá bước đầu của các chuyên gia. Điều quan trọng nhất là đến giờ này chưa có ca tử vong nào. Việc điều trị các ca bệnh, không để xảy ra trường hợp tử vong là niềm hy vọng, tự hào của ngành y nói riêng, cả dân tộc Việt Nam nói chung. Chưa bao giờ cả dân tộc Việt Nam, trong đó có cả người Việt Nam ở nước ngoài đều đoàn kết, quyết tâm và có niềm tin như vậy.
Cảm ơn đội ngũ y bác sỹ các bệnh viện, các giáo sư đầu ngành đang điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 với 100% tâm lực, Phó Thủ tướng khẳng định: Đối với chữa trị bệnh nhân mắc COVID-19, điều quan trọng là có phác đồ điều trị thích hợp, để giảm số bệnh nhân nặng nhiều nhất có thể. Hiện trên thế giới chưa có thuốc đặc trị cũng như phác đồ điều trị COVID-19, vì vậy đội ngũ y bác sỹ Việt Nam cũng đang nỗ lực tìm ra phác đồ điều trị phù hợp. Với sự tự hào đã chiến thắng dịch SARS năm 2003, niềm tin chiến thắng dịch COVID-19 tiếp tục được Đảng, Nhà nước, nhân dân cũng như gia đình các bệnh nhân đặt vào các y, bác sỹ.
Đối với ổ dịch tại Bạch Mai, Phó Thủ tướng cho rằng cần thực hiện cách ly 14 ngày và làm theo đúng quy định của ngành y tế. Các đơn vị chức năng sắp xếp các khách sạn để làm nơi nghỉ ngơi, cách ly cho các y bác sỹ. Đội ngũ y bác sỹ đã làm tốt nhiệm vụ, vì vậy cần được ủng hộ cả về vật chất và tinh thần.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn đội ngũ y bác sỹ, thầy thuốc nước nhà sẽ tiếp tục đồng tâm, hiệp lực làm tốt công tác dự phòng, để không có thêm nhiều người mắc COVID-19. Trong công tác điều trị, cần cố gắng, nỗ lực không để tình trạng bệnh nhân chuyển biến nặng. Nếu bệnh nhân chuyển biến nặng, cố gắng không để trường hợp nào tử vong. Giành được kết quả khả quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ thành công của các bác sỹ, vinh dự của ngành y, còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh
Cập nhật mới nhất về tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 3 thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Người dân cả nước đồng lòng ủng hộ, thực hiện nghiêm túc. Nếu thực hiện đúng, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, chắc chắn Việt Nam sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng.
Theo các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực trong vòng 15 ngày (từ 1 - 15/4), đây là khoảng "thời gian vàng" để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu quyết liệt “cách ly xã hội” sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Cách ly xã hội (hay nói cách khác là giãn cách xã hội - giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp) không phải là ngăn cấm giao thông, "ngăn sông cấm chợ", chưa phải phong tỏa xã hội; vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn - nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Đồng thời, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc.
Hiện Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình, vì vậy vẫn cần đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, sản xuất và kinh tế - xã hội. Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, các bộ, ngành liên quan sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp.
Liên quan đến việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, đây là biện pháp rất quan trọng. Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện cương quyết biện pháp này để người dân thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội; duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Bộ Y tế sẽ sớm có các văn bản hướng dẫn về việc giãn cách xã hội, trong đó, quan trọng nhất là các biện pháp thực hiện.
Ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực kiểm soát chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, các biện pháp phòng, chống dịch để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; xử lý nghiêm khắc các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh; trốn cách ly, công bố công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để lên án các hành vi sai trái, làm gương cho xã hội.
Hà Nội sẽ xử phạt nghiêm những trường hợp ra đường không có việc cần thiết
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong tuần qua, số ca nhiễm trên địa bàn Thủ đô đã tăng gần gấp 2 lần, đồng thời yêu cầu các địa phương xử phạt nghiêm những trường hợp ra đường không có việc cần thiết.
Ngày 3/4, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 95 trường hợp có xét nghiệm dương tính, trong đó, 36 trường hợp phát hiện do xét nghiệm sàng lọc người đi về từ vùng dịch tại sân bay hoặc các điểm cách ly tập trung chưa về địa phương; 59 trường hợp phát hiện tại cộng đồng, trong đó có 36 trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai (19 người là nhân viên Công ty Trường Sinh, 3 người là nhân viên Công ty Việt Mỹ).
Theo ông Nguyễn Đức Chung, một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 là tăng cường xét nghiệm để sớm phát hiện người nhiễm bệnh, từ đó khoanh vùng xử lý triệt để tại cộng đồng, cũng như cách ly, cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung sinh phẩm làm test nhanh chưa đáp ứng kịp, gây khó khăn cho việc triển khai trên diện rộng.
Hà Nội tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tại cửa khẩu sân bay Nội Bài, kiểm soát thân nhiệt của người đến Hà Nội để kịp thời xử trí theo quy định; tiếp tục xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, trong đó tập trung rà soát cách ly và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ những người có liên quan đến ổ dịch này để xử lý theo quy định. Đồng thời, tăng công suất xét nghiệm, tập trung xét nghiệm sàng lọc tại các khu cách ly tập trung để giảm mật độ người bị cách ly; xét nghiệm sàng lọc trong các cơ sở điều trị để phân loại, phân luồng bệnh nhân...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Từ ngày 4/4, các địa phương cần xử phạt nghiêm những trường hợp ra đường không có việc cần thiết. Tất cả các công viên, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa; không đơn vị nào được cắt điện, nước, dịch vụ viễn thông trong thời gian này; tất cả cơ sở lưu trú có khách nước ngoài yêu cầu phải ở nhà, không được ra ngoài...
Video clip Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp:
Toàn quốc hiện có 5.245 chiếc máy thở
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, qua rà soát, giám sát, quản lý sức khỏe các trường hợp đã đến Bệnh viện Bạch Mai, đến 18 giờ ngày 2/4, đã rà soát 4.593 bệnh nhân nội trú, 1.299 bệnh nhân ngoại trú (các tỉnh báo về), 30.617 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.167 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 145 người làm cho công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan, tổng số 44.474 người. Các trường hợp này đã được các địa phương giám sát, thực hiện cách ly tại nhà hoặc tập trung cho một số đối tượng.
Theo số liệu báo cáo của Hà Nội, tính đến 12 giờ ngày 2/4, đã rà soát được 21.956 người có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, đáng lưu ý là đã rà soát 1.980 bệnh nhân nội trú ra viện từ ngày 10 - 28/3/2020.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng cho biết, trên toàn quốc hiện có 5.245 chiếc máy thở, dự kiến có thể huy động được 1.315 máy thở nếu dịch xảy ra ở cấp độ 3, 4. Việc mua máy thở phục vụ chống dịch COVID-19 đã được trung ương và địa phương mua dự phòng 273 chiếc, đã nhận 155 chiếc; đang khẩn trương mua tiếp 1.458 máy thở.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo, trong gần hai tháng qua, các biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã được thực hiện, đảm bảo ngăn chặn được lây nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. Biện pháp ngăn chặn các ca xâm nhập gồm: Dừng cấp VISA, hạn chế nhập cảnh, cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh…
Thực hiện cách ly toàn xã hội về thực chất là giãn cách xã hội, được nhiều nước áp dụng để ngăn chặn các trường hợp xâm nhập đã bị bỏ sót (ước tính số bỏ sót cao qua các chu kỳ lây nhiễm có thể lên tới trên 1.500 người). Hầu hết các nước áp dụng khi phát hiện trên 50 trường hợp; Việt Nam áp dụng khi số ca nhiễm là dưới 20 trường hợp trong một ngày. Chính sách này là phù hợp, kịp thời để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Tin vui từ khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp
Ngày 3/4, trên 360 người tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội) đã được trở về nhà sau khi hết thời hạn cách ly 14 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SAR-CoV-2.
Khoảng 20 xe buýt được sử dụng để đưa người dân hết hạn cách ly về lại địa phương. Lực lượng chức năng cũng đã giúp người dân vận chuyển đồ đạc ra xe.
Số lượng người dân hết cách ly đợt này chủ yếu được đưa về các địa phương như: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Ngoài ra, 50 người nước ngoài cách ly tại khu Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội) cũng được trở về. Từ nay đến ngày 6/4, 1.842 người cách ly đợt 1 tại đây sẽ được về. Địa điểm cách lý này sẽ chuẩn bị đón đợt cách ly tiếp theo.
Các cá nhân đều có giấy chứng nhận hoàn thành hết đợt cách ly 14 ngày.
Video lực lượng chức năng hỗ trợ người dân trở về từ khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp: