Tròn 62 ngày liên tiếp không lây nhiễm cộng đồng
Theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 17/6, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Tổng số ca mắc là 335 ca; số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 7.250 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 81; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.248; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 921 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 4 ca.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thăm các y bác sĩ và bệnh nhân phi công người Anh
Chiều 17/6, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã đến thăm bệnh nhân phi công người Anh mắc COVID-19 đang nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời động viên các cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Theo Bộ Y tế, ngày 17/6, bệnh nhân phi công người Anh (bệnh nhân 91) đã tỉnh táo, giao tiếp tốt và bày tỏ niềm vui, xúc động khi được các bác sĩ chăm sóc, điều trị. Bệnh nhân cho biết “cảm thấy sức khoẻ tốt lên nhiều”, đồng thời kể một số thông tin về gia đình.
Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân cần nhiều thời gian để hồi phục sức cơ chân, tuy nhiên cùng với những tiến triển kỳ diệu trước đó, việc nam phi công đã có thể đứng dậy và tập đi cho thấy bệnh nhân tiếp tục có sự hồi phục kỳ diệu.
Bệnh nhân đã tự ho khạc đàm qua miệng. Về tiêu hoá, hiện bệnh nhân đã rút được ống nuôi ăn, tự ăn uống qua miệng. Đây là bước tiến lớn vì những ngày trước đó anh phải ăn qua đường nuôi ăn.
Chức năng thận của bệnh nhân cũng đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân 91 hết sức kỳ diệu. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự cảm phục, trân trọng về chuyên môn và tấm lòng của các bác sĩ với bệnh nhân. Đặc biệt, đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy - hai nơi điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 91, là những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận phòng chống dịch COVID-19. Trong khi đó, toàn TP Hồ Chí Minh có đến 27.000 bác sĩ nhưng chuyên khoa nhiễm chỉ có hơn 300 người, chưa kể điều kiện y tế của Việt Nam còn hạn chế so với các nước tiên tiến.
Bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong đại dịch COVID-19
Một dự án mới nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, là hoạt động ứng phó ưu tiên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được Chính phủ Australia, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) chính thức khởi động ngày 17/6. Các cơ quan đồng thực hiện dự án bao gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và các cơ quan khác có liên quan.
Mục đích của Dự án là hỗ trợ Chính phủ và các tổ chức xã hội tăng cường công tác phòng ngừa và ứng phó quốc gia nhằm đương đầu với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19, để đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em Việt Nam, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, có thể sống một cuộc sống không có bạo lực.
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, Australia cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để bảo đảm cuộc sống của phụ nữ và trẻ em được an toàn hơn trong giai đoạn ứng phó với COVID-19. Chính phủ Australia sẽ hỗ trợ dự án 2,5 triệu đô-la Australia để thực hiện các hoạt động trong vòng 1 năm tới. Đây là một phần trong gói ngân sách 10,5 triệu đô-la Australia mà Chính phủ Australia hỗ trợ Việt Nam trong công tác ứng phó với COVID-19.