Ngành trồng trọt tăng trưởng chậm

Ngày 22/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt. Theo báo cáo tại Hội nghị, mặc dù giá trị sản xuất ngành trồng trọt chiếm hơn 73,5% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng có tốc độ tăng trưởng thấp nhất, hơn 2%.


Thực hiện QĐ số 899/QĐ - TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có kế hoạch hành động chỉ đạo toàn ngành tích cực triển khai thực hiện Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt.

Các đại biểu đại diện ngành nông nghiệp các địa phương đánh giá cao Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt, tạo điều kiệt cho ngành phát triển bền vững.



Sau hơn một năm thực hiện, ngành đã đạt được một số kết quả quan trong. Bộ đã ban hành các cơ chế chính sách, chương trình đề án phục vụ cho tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp như lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, chè đã được thực hiện tái cơ cấu và thu được nhiều kết quả khả quan. Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt năm 2014 tăng 3,2%. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện như lúa gạo, chè, vải, nhãn, bưởi, thanh long,…Nhiều mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được xây dựng. Nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn được duy trì, mở rộng: Vùng cao su, cà phê, điều, hồ tiêu (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên); vùng chè (Trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng); vùng cây ăn quả Nam Bộ, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Bắc Giang… Một số mặt hàng có thị trường, giá trị xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng bình quân 42,8%/năm, hạt tiêu tăng 23%/năm, hạt điều tăng 16,5%/năm.

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được trong những năm qua, sản xuất trồng trọt vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức. Do đó, lĩnh vực trồng trọt cần phải thực hiện tái cơ cấu để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, chuyển hẳn sang sản xuất hàng hóa, hội nhập, cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững.

Các đại biểu tại Hội nghị cho rằng, lúa gạo đang chiếm 1/2 giá trị sản lượng của ngành trồng trọt nên cần phải nâng cao hiệu quả. Mặc dù ngành lúa gạo đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa nhưng tỷ lệ gạo chất lượng cao còn thấp, dẫn đến giá thành sản xuất cao, sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường. Các mặt hàng khác như cà phê, chè, trái cây cũng rơi vào tình trạng tương tự như lúa gạo “được mùa rớt giá”, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao sự vào cuộc của các địa phương để tiến hành cơ cấu ngành trồng trọt có hiệu quả.



Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương cần quan tâm đúng mức đến ngành trồng trọt, có đề xuất với các bộ ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho ngành phát triển theo hướng gia tăng giá trị và bền vững. Về vấn đề xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Chúng ta không nên cứ theo đuổi và đặt ra yêu cầu quá lớn cho việc xuất khẩu, mà nâng cao chất lượng để phục vụ nhu cầu thị trường nội địa cũng là quan trọng”. 

Theo Bộ NN & PTNT, trong thời gian tới, để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt, ngành nông nghiệp cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt sản xuất phát triển. Đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu, đem lại giá trị cao cho nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo động lực để người sản xuất áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, an toàn.


Tin, ảnh: Việt Hoàng





Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN