Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần đi trước một bước về chuyển đổi số

Trong năm 2022, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quyết tâm, nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ theo hướng quản lý tất cả các đối tượng bằng tin học hóa, vì đây là ngành thực hiện chi trả qua bảo hiểm và ngân sách Nhà nước rất lớn, liên quan đến quyền lợi của người dân.

Đây là mong muốn của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, chiều 12/1, tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn ngành

Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2021 cả nước vừa chống dịch, vừa nỗ lực duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong điều kiện khó khăn chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra.

Phó Thủ tướng cho biết, theo nghiên cứu của một số tổ chức tài chính quốc tế, trong hai năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (2020-2021), kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 1,8%, trong đó các nước phát triển tăng 0,7%, các nước đang phát triển 4,3%. Tại khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế lớn (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam) là 1,5% nhưng riêng Việt Nam đạt 5,49%.

“Điều đó cho thấy, trong 2 năm khó khăn qua chúng ta rất cố gắng để đạt được mức tăng trưởng tốt so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Kết quả này có sự đóng góp của tất cả các bộ, ngành, trong đó có vai trò quan trọng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội”, Phó Thủ tướng nêu; đồng thời nhấn mạnh, toàn ngành “không chỉ chăm lo an sinh xã hội cho hàng chục triệu người dân vùng dịch trong điều kiện chưa từng có tiền lệ, mà còn tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, giáo dục nghề nghiệp bảo vệ trẻ em…”.

Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiều đổi mới trong tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về lương, đổi mới mạnh mẽ về cải cách hành chính…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần nhìn thẳng để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Cụ thể, trong lĩnh vực người có công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong những năm qua, dù đã có bước chuyển căn bản, song toàn ngành cần tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng giải quyết tốt công tác xác minh hồ sơ, công nhận người có công; hỗ trợ, chăm sóc người có công, thân nhân tốt hơn nữa.

Trong công tác giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải là đầu mối tổng hợp, chủ trì việc phối kết hợp thật đồng bộ giữa các bộ, ngành, nhất là cơ chế điều phối. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp, triển khai tốt chương trình giảm nghèo đa chiều. Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, cần có chính sách huy động các nguồn lực bên ngoài tham gia nhiều hơn vào hệ thống trợ giúp xã hội, nhóm đối tượng bảo trợ xã hội…

Đối với công tác xuất khẩu lao động, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa phát triển thị trường, vừa có các chính sách, tuyên truyền để người lao động lựa chọn những thị trường bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. Công tác đào tạo nghề cần tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại các đầu mối quản lý theo hướng “tự chủ, xã hội hóa, thống nhất đầu mối quản lý”, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.

Về vấn đề bảo vệ trẻ em, Phó Thủ tướng nhắc lại sự cố bảo hành trẻ em đau lòng, gây nhức nhối dư luận xã hội, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã theo Luật Trẻ em.

Qua thực tiễn chi trả các gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Phó Thủ tướng mong muốn, trong năm 2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quyết tâm, nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ theo hướng quản lý tất cả các đối tượng bằng tin học hóa, thực hiện hỗ trợ chi trả qua ngân hàng; thông qua mạng lưới bưu điện để chi trả cho một số ít người dùng tiền mặt, còn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động này.

“Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có thể đi trước một bước về chuyển đổi số vì đây là ngành thực hiện chi trả qua bảo hiểm và ngân sách Nhà nước rất lớn, liên quan đến quyền lợi của người dân. Chúng ta có thể làm thật nhanh nếu toàn ngành nỗ lực, nhất là ở các địa phương”, Phó Thủ tướng tin tưởng.

Chú thích ảnh
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Phó Thủ tướng lưu ý ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải liên tục đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoạt động giải ngân, chi trả, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, bảo đảm không thất thoát, không nhầm đối tượng.

Nhân dịp Tết Nguyên đán 2022, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, địa phương chăm lo người dân đón Tết an toàn, ấm cúng, bên cạnh vật chất cần có nhiều hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ tinh thần, nhất là những người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

7 nhiệm vụ trọng tâm

Tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ 7 nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành trong năm 2022. Theo đó, để bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, việc làm.

Cụ thể, duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm tăng trưởng, tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động đang làm việc, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. “Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và thiên tai, rủi ro. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng khả năng kết nối cung - cầu trên thị trường, hình thành hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin về việc tìm người và người tìm việc; phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2030 theo tiêu chí mới từ ngày 1/1/2022.

Cùng với đó, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo thường xuyên, đào tạo lại lao động và tăng cường chuẩn hóa chất lượng lao động trình độ kỹ năng nghề giúp người lao động có cơ sở và cơ hội thuận lợi học tập nâng cao trình độ kỹ năng đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao, có kỹ năng cho thị trường lao động và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần tăng cường hiệu quả các chính sách an sinh xã hội hiện hành, nỗ lực hướng tới hệ thống an sinh bền vững: Xây dựng kịch bản, phương án và triển khai các chính sách xã hội đã ban hành bảo đảm an dân và an sinh xã hội đối với người dân, hộ người nghèo, người yếu thế và phù hợp với tình hình thực hiện phòng, chống dịch COVID-19; phát triển hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân.

Nhấn mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về các nhóm đối tượng, bảo đảm liên thông giữa địa phương với Trung ương, ban, ngành. Công tác chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chỉ thị số 35/TC-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, phối hợp chăm lo chu đáo nhất để mọi người, mọi nhà, nhất là người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số và những người bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đầm ấm, vui tươi, an toàn, không để ai bị thiếu ăn, không ai không có Tết.

Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu hàng đầu nhằm chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm thực hiện tốt sự bao phủ của các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội hiện hành tới tất các các đối tượng, người dân để duy trì ổn định đời sống kinh tế-xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; tăng cường các hoạt động hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, góp phần tạo việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động; tổ chức đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, qua đó góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề.

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất. Các địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, đến đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Nhìn chung, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác an sinh xã hội vẫn được bảo đảm, đời sống nhân dân vẫn được giữ ổn định.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hiều cơ chế, chính sách, giải pháp chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch như: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn trong đại dịch.

Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; các chính sách hỗ trợ thực sự thiết thực, kịp thời, ý nghĩa và tạo được niềm tin sâu rộng trong nhân dân.

Diệp Trương (TTXVN)
Đoàn công tác Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm việc tại Sóc Trăng
Đoàn công tác Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm việc tại Sóc Trăng

Ngày 30/8, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cùng Đoàn công tác Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc tại tỉnh Sóc Trăng về việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN