Báo cáo nhanh tại cuộc họp, ông Phan Văn Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết đơn vị đã củng cố công tác phân luồng, thu dung điều trị, an toàn bệnh viện một cách quyết liệt và triệt để nhằm không để xảy ra các trường hợp lây nhiễm chéo trong bệnh viện hay tại các cơ sở cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngành y tế An Giang cũng đã chuẩn bị khu điều trị COVID-19 theo phương châm 4 tại chỗ; mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập một khu điều trị có từ 10 - 20 giường để điều trị các ca bệnh nhẹ, vừa; các bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh tại thành phố Châu Đốc, Bệnh viện Sản Nhi An Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu) sẵn sàng phương án hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới và tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng và rất nặng.
Hiện tại, khả năng thu dung điều trị của tỉnh là khoảng 292 giường, trong đó tuyến huyện có 195 giường, tuyến tỉnh có 97 giường. Năng lực xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang từ 400 - 500 mẫu/ngày. Tỉnh dự định mua thêm trang thiết bị xét nghiệm COVID-19 cho Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh tại thành phố Châu Đốc và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nếu 2 đơn vị này được đưa vào hoạt động thì tổng số mẫu xét nghiệm của tỉnh có thể đạt từ 1.200 - 1.500 mẫu/ngày. Tỉnh An Giang đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 1.493 người.
Tại cuộc họp, Đại tá Phạm Thành Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, đề xuất, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm những trường hợp không chấp hành quy định phòng, chống dịch, nhất là việc không mang khẩu trang ở nơi công cộng, nhằm răn đe, giáo dục cũng như hình thành ý thức tự giác phòng, chống dịch trong mỗi người dân.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các địa phương, ngành chức năng và người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương tuyến biên giới. An Giang có đường biên giới dài, phức tạp, nên việc phòng, chống dịch cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân. Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch rất quan trọng, các ngành, địa phương phải đẩy mạnh, để mỗi người dân trở thành một "chiến sỹ" trên "mặt trận" phòng, chống dịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là 5 địa phương biên giới cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, tổ chức chốt chặn suốt ngày đêm, nhất là tại các đường mòn, lối mở; quản lý chặt chẽ các hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động rà soát lại các khu, điểm cách ly để bổ sung, hoàn thiện theo đúng quy định; mỗi huyện biên giới phải chuẩn bị và sẵn sàng khu cách ly tập trong cho ít nhất 500 người; các huyện, thành phố còn lại chuẩn bị khu cách ly tập trong cho ít nhất 300 người, sẵn sàng tiếp nhận người cách ly khi có yêu cầu, dưới sự điều phối thống nhất của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Song song đó, các địa phương phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, tránh lây nhiễm chéo trong các khu, điểm cách ly tập trung; khẩn trương trang bị thêm hệ thống camera giám sát cũng như bổ sung hệ thống nhà vệ sinh ở các khu, điểm cách ly tập trung để phân tuyến cho từng phòng có người cách ly.
Lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo các phường, xã, khóm, ấp thông báo rộng rãi và yêu cầu người dân trên địa bàn đã đi du lịch ra ngoài tỉnh trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 phải khai báo y tế một cách trung thực, xử lý nghiêm người khai báo không trung thực.
Các địa phương phải vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa tổng rà soát lại số lượng cử tri trên địa bàn phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.