Ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau khi xem xét Văn bản số 197 ngày 14/8/2019 của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Lạc Dương phối hợp với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tập trung tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn và các hộ dân ở nơi khác đến trở về nơi cư trú, ổn định sản xuất, không tụ tập xâm nhập trái phép vào lâm phần của Vườn Quốc gia.
UBND tỉnh yêu cầu Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tập trung lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc người dân xâm nhập trái phép vào lâm phần do đơn vị quản lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm hỗ trợ Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà trong việc vận động tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác quản lý động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm.
Công an tỉnh chỉ đạo, bố trí lực lượng theo dõi, nắm tình hình cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng tuyên truyền vận động, xử lý nếu có vi phạm, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý tình hình theo quy định…
Theo ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, các nhóm người dân tộc thiểu số này đến từ huyện M’Đrắk (Đắk Lắk), huyện Đắk Glong (Đắk Nông) và huyện Đam Rông (Lâm Đồng) tới địa bàn huyện Lạc Dương.
Qua công tác nắm tình hình và tuần tra, lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 24 trường hợp về hành vi “vi phạm các quy định chung của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng”; đồng thời tuyên truyền vận động 53 trường hợp khác, yêu cầu họ trở về nơi cư trú.
Lực lượng chức năng đã kiểm tra hành chính không phát hiện họ mang theo vũ khí quân dụng và vũ khí tự tạo, trong ba lô chỉ có quần áo, lương thực thực phẩm… Qua làm việc với các trường hợp trên, được biết họ vào rừng để lấy nấm, lan rừng về bán. Nhưng hiện nay, đã xuất hiện tin đồn thất thiệt việc có sâm Ngọc Linh trong rừng có giá trị cao, nên có thể những người này tiếp tục kêu gọi thêm người nhà vào rừng để tìm kiếm.
Lãnh đạo chính quyền Lạc Dương nhận định không loại trừ khả năng số người này đi khảo sát địa hình để phục vụ cho việc di dân ngoài kế hoạch. Bởi vậy, trong các biện pháp thực hiện, chính quyền huyện phối hợp với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tập trung lực lượng tuần tra các khu vực, vị trí mà nhóm người này thường lui tới; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết ngay từ đầu các hành vi vi phạm Luật Cư trú theo quy định, các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng…
Trước đó TTXVN đã đưa tin: Trong thời gian từ ngày 2 - 14/8/2019, nhiều người dân từ các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và huyện Đam Rông (Lâm Đồng) di chuyển theo Quốc lộ 27C và tuyến đường ĐT 722 để xâm nhập trái phép vào khu vực Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ngay sau đó, Vườn Quốc gia và Hạt Kiểm lâm của Vườn đã tổ chức lực lượng ngăn chặn.
Ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cho biết: Từ ngày 15/8 đến nay, đơn vị không phát hiện thêm trường hợp nào thâm nhập trái phép vào Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà như đã từng xảy ra trong những ngày đầu tháng 8/2019. Sáng 21/8, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phối hợp cùng Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà xử lý dứt điểm tình trạng trên.