Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Ninh Thuận về công tác chuẩn bị của tỉnh cho Ngày hội lớn sắp diễn ra tới đây.
Cùng với cả nước, tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 23/5 tới. Vậy đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã được tỉnh tiến hành như thế nào, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thưa đồng chí?
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và quá trình triển khai thực hiện chủ động, linh hoạt, kịp thời của Ủy ban Bầu cử các cấp nên công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn tỉnh đã được triển khai khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ trên các nội dung. Đến thời điểm hiện nay, qua rà soát công tác chuẩn bị đã cơ bản sẵn sàng cho ngày bầu cử - đảm bảo thành công, an toàn, đúng quy định pháp luật.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngay từ khi triển khai công tác bầu cử, tỉnh Ninh Thuận đã xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc hoàn thành tốt cuộc bầu cử là hai nhiệm vụ chính trị xuyên suốt và cần phải thực hiện đồng thời.
Do đó, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBBC ngày 26/3/2021 về triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 và ứng phó một số tình huống phát sinh trong quá trình bầu cử. Theo đó, tỉnh đã xác lập những nội dung mang tính nguyên tắc, định hướng chung và một số phương án xử lý tình huống cụ thể do phát sinh dịch COVID-19 hoặc thiên tai; đồng thời thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, nhất là các tổ bầu cử phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch trong cuộc bầu cử đảm bảo đồng bộ, toàn diện, kiên quyết, hiệu quả ngay từ cơ sở.
Ngay sau khi tiếp nhận ý kiến Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 10/5/2021 về công tác chuẩn bị bầu cử trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; Ủy ban Bầu cử tỉnh Ninh Thuận đã kịp thời ban hành Phương án số 67/PA-UBBC ngày 13/5/2021 triển khai công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo cụ thể hóa từng khâu, từng quy trình, từng bước trong quá trình bỏ phiếu tại phòng bỏ phiếu, tại nhà cử tri, tại các cơ sở cách ly tập trung hoặc tại các khu vực phong tỏa (trong trường hợp phát sinh); đồng thời Ủy ban Bầu cử tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBBC ngày 14/5/2021 tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho ứng cử viên và thành viên các Tổ bầu cử trên địa bàn tỉnh. Hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương đang khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nêu trên, toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5/2021 đảm bảo thành công, an toàn, đúng quy định pháp luật.
Có thể nói vấn đề mà cử tri quan tâm nhất trong tất cả các cuộc bầu cử là việc lựa chọn giới thiệu ứng cử viên có đức, có tài để đưa vào danh sách bầu cử. Xin đồng chí cho biết chất lượng của các ứng cử viên đại biểu và cơ cấu các thành phần trong xã hội mà hội nghị hiệp thương các cấp đã lựa chọn lần này?
Việc lựa chọn nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là khâu then chốt, quan trọng đã định hướng chỉ đạo tại Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 24/12/2020 và tiếp tục cụ thể hóa trong quá trình lãnh đạo công tác giới thiệu nhân sự ứng cử của các cấp ủy.
Trên tinh thần đó, Hội nghị hiệp thương các cấp đã giới thiệu nhân sự ứng cử đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn và đại diện cho đầy đủ thành phần trong xã hội và đảm bảo cơ cấu theo quy định. Kết quả nhân sự được giới thiệu ứng cử cụ thể là: Về trình độ, đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội có 50% trình độ trên đại học và 50% trình độ đại học; đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh có 32,1% trình độ trên đại học, 65,43% trình độ đại học và 2,47% trình độ dưới đại học; ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện có 8,38% trình độ trên đại học, 83,52% trình độ đại học và 8,1% trình độ dưới đại học; ứng cử đại biểu HĐND cấp xã có 0,74% trình độ trên đại học, 48,22% trình độ đại học và 51,04% trình độ sau đại học.
Về cơ cấu thành phần những người ứng cử đã đảm bảo đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực công tác, đầy đủ thành phần dân tộc, tôn giáo, độ tuổi và đảm bảo hợp lý người được giới thiệu ứng cử là người ngoài đảng. Một số chỉ tiêu cụ thể như sau: tỷ lệ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đạt 50%; HĐND tỉnh đạt 45,68%; cấp huyện đạt 40,22%; cấp xã đạt 40,27%, đảm bảo đạt mục tiêu từ 35% trở lên.
Về thành phần người ứng cử là người dân tộc thiểu số: Đại biểu Quốc hội đạt 37,5%; HĐND tỉnh đạt 11,11%; HĐND cấp huyện đạt 17,6%; HĐND cấp xã đạt 25,37%. Về thành phần người ứng cử là người theo tôn giáo: Đại biểu Quốc hội đạt 25%; HĐND tỉnh đạt 6,17%; HĐND cấp huyện đạt 12,01%; HĐND cấp xã đạt 16,91%. Đối với tỷ lệ người ngoài đảng được giới thiệu ứng cử: Đại biểu Quốc hội đạt 12,5%; HĐND tỉnh đạt 12,35%; HĐND cấp huyện đạt 11,17%; HĐND cấp xã đạt 23,2%, đảm bảo đạt mục tiêu trên 10%.
Các nhân sự được giới thiệu tham gia ứng cử nêu trên qua Hội nghị tiếp xúc cử tri, thì đa số cử tri đều đồng tình, ủng hộ với việc giới thiệu người ứng cử; gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của cá nhân đến những người được giới thiệu ứng cử; đồng thời mong muốn những người được giới thiệu ứng cử nếu trúng cử cần phát huy năng lực, trí tuệ, nâng cao tinh thần, trách nhiệm để xứng đáng là người đại biểu nhân dân.
Thời gian đến ngày bầu cử là không còn nhiều, xin đồng chí cho biết Ủy ban Bầu cử tỉnh có chỉ đạo gì để cuộc bầu cử thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân và cử tri phát huy tối đa quyền, nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử?
Để đảm bảo ngày bầu cử 23/5 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được tổ chức dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội và HĐND các cấp.
Trong thời gian tới, Ủy ban Bầu cử tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục rà soát các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật, rà soát việc tổ chức trang trí phòng bỏ phiếu theo maket đã hướng dẫn, đảm bảo đầy đủ công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử; đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri đi bầu cử.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, phương án, kịch bản cụ thể phòng, chống dịch COVID-19 trong công tác bầu cử tại các địa phương; trong đó đặc biệt lưu ý việc tổ chức bầu cử ở những cơ sở cách ly trong trường hợp đến ngày bầu cử phát sinh đối tượng cách ly; xây dựng lịch trình tiến độ bầu cử và phân chia, bố trí thời gian bỏ phiếu của cử tri theo các thôn, tổ dân phố, nhóm cử tri theo hộ gia đình theo từng nhóm đi bầu cử/thời gian phân bố hợp lý trong ngày bầu cử; thông báo thường xuyên, liên tục, tăng tầng suất trong những ngày trước, trong ngày bầu cử thông qua hệ thống loa truyền thanh cấp xã, các phương tiện thông tin, tuyên truyền lưu động,… để cử tri cập nhật thời gian bỏ phiếu; bảo đảm không tập trung đông tại phòng bỏ phiếu.
Công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú; tuyên truyền đến các tổ chức và nhân dân hưởng ứng việc tổ chức dọn dẹp vệ sinh đảm bảo xanh - sạch - đẹp tại khu vực bỏ phiếu trong những ngày trước, trong và sau ngày bầu cử nhằm đảm bảo trang nghiêm, tạo không khí phấn khởi, thể hiện được tinh thần, ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng, ngày hội của toàn dân.
Ngoài ra, tỉnh cũng rà soát tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương; rà soát, nhận định những vấn đề nổi cộm, phức tạp ở địa phương để kịp thời xử lý sớm trước ngày bầu cử. Ủy ban Bầu cử tỉnh kêu gọi toàn thể cử tri cùng đồng hành, quyết tâm thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nêu cao tinh thần trách nhiệm để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn ông!