Nắng nóng, hạn hán ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân Sơn La

Những tháng qua, huyện Mường La và một số khu vực khác tại tỉnh Sơn La đã hứng chịu nhiều đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.

Chú thích ảnh
Mực nước hồ thủy điện Sơn La thấp hơn nhiều so với vạch mực nước dâng bình thường cho phép. 

Nghề đánh bắt thủy sản ở khu vực hạ du Nhà máy Thủy điện Sơn La đem lại nguồn thu nhập chính, ổn định nhiều năm nay của gia đình anh Hà Văn Thiết ở bản Tạ Bú, xã Tạ Bú, huyện Mường La. Hai tháng trở lại đây, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, không có mưa, khu vực hạ du sông Đà cạn trơ đáy, không còn thủy sản để đánh bắt, không có nước làm nương, vườn. Gia đình anh Thiết vốn khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Gia đình anh theo nghề đánh cá gần 10 năm nay. Hiện nay, nước xuống thấp gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của gia đình từ việc đánh bắt thủy sản và thuyền bè.

Anh Tạ Đình Hồng cùng bản Tạ Bú cho biết, nguồn thu nhập chính của gia đình anh từ trồng ngô, sắn. Tổng diện tích gia đình anh dự kiến trồng trong năm nay khoảng gần 2 ha. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2023, do hạn hán kéo dài, cây sắn trồng đã bị khô, chết. Cây ngô đang vào vụ trồng cũng chưa thể trồng được. Nắng nóng, khô hạn kéo dài đã gây thiệt hại về kinh tế của anh Hồng và các gia đình khác trong thôn, bản.

Chú thích ảnh
Khu vực hạ du sông Đà đoạn qua bản Tạ Bú, xã Tạ Bú, huyện Mường La cạn trơ đáy. 

Tại Nhà máy Thủy điện Sơn La, từ đỉnh đập nhìn xuống, có thể thấy rõ mực nước hồ chứa thấp hơn nhiều so với vạch mực nước dâng bình thường. Hơn 10 năm Nhà máy đi vào hoạt động, đây là lần đầu tiên mực nước ở hồ Thủy điện Sơn La xuống thấp kỷ lục. Nhà máy đang vận hành linh hoạt, tăng cường nhân lực theo dõi, thu thập số liệu toàn bộ hệ thống thiết bị liên tục để đánh giá, phân tích, nỗ lực đảm bảo các tổ máy vận hành an toàn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài vẫn cần giải pháp để ổn định nguồn nước, đảm bảo vận hành các tổ máy an toàn và điều tiết nguồn nước hợp lý cho khu vực hạ du.

Chú thích ảnh
Khu vực hạ du sông Đà đoạn qua bản Tạ Bú, xã Tạ Bú, huyện Mường La cạn trơ đáy. 

Thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân huyện Mường La. Đến nay, nắng nóng, khô hạn đã làm nhiều diện tích lúa, 177 ha sắn, 1.700 cây tếch cùng nhiều diện tích hoa màu khác bị thiệt hại, ước tính trên 7,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường La cho hay, nắng nóng kéo dài gần 2 tháng nay. Trên địa bàn huyện, diện tích lúa chiêm Xuân bị thiệt hại hơn 100 ha, trong đó trên 50% diện tích thiệt hại 100%. Các loại cây trồng trên nương, vườn như sắn, ngô thiệt hại với diện tích hơn 150ha. Đặc biệt, vụ xoài năm 2023 dù đã đến kỳ thu hoạch nhưng do nắng nóng kéo dài, quả bị nứt, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất.

Chú thích ảnh
Khu vực hạ du sông Đà đoạn qua bản Tạ Bú, xã Tạ Bú, huyện Mường La cạn trơ đáy. 

Theo dự báo, tình hình nắng nóng, khô hạn có thể tiếp diễn trong những ngày tiếp theo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn huyện Mường La.

Tin, ảnh: Quang Quyết (TTXVN)
Sông Đà cạn nước kỷ lục
Sông Đà cạn nước kỷ lục

Những ngày qua, mực nước sông Đà xuống thấp kỷ lục khiến các hoạt động vận tải cũng như sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân vùng hạ lưu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại tỉnh Phú Thọ, nhiều địa phương thông báo người dân tạm thời dừng ngâm mạ do mực nước sông xuống thấp, không bơm được nước vào đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN