Nâng cao vai trò của công dân trong phòng, chống tham nhũng

Trong khuôn khổ Chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2014, ngày 20/5, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tọa đàm về vai trò của công dân trong phòng, chống tham nhũng.

 

Các đại biểu dự tọa đàm đều cho rằng: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định rõ: “Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng”. Để thực hiện đúng quy định này, người dân cần hiểu biết, có ý thức thực hiện đúng quy định của pháp luật (hành xử trong phạm vi pháp luật không cấm); ý thức được trách nhiệm công dân của mình trong việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Công dân có thể lên án, đấu tranh với các hành vi tham nhũng thông qua việc lên án, đấu tranh bằng nhiều phương thức, cách thức phù hợp với chuẩn mực về pháp lý và đạo lý; tạo dư luận phản đối các hành vi tiêu cực; gây áp lực đối với người có hành vi tham nhũng.Việc tố cáo tham nhũng có thể được công dân thực hiện qua các hình thức: trực tiếp tố cáo; thông qua tổ chức mình là thành viên hoặc các cơ quan báo chí.

 

Tuy nhiên, một trong những hạn chế của việc phòng chống tham nhũng đối với công dân là do họ không muốn tham gia; "không thể” tham gia hoặc không dám tham gia công tác phòng chống tham nhũng. Nguyên nhân của vấn đề này là do nhiều người dân sợ bị trả thù; sợ vi phạm các quy định trong nội bộ; qui định về tiết lộ bí mật; qui định về bôi nhọ người khác; hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn...

 

Nhằm nâng cao vai trò của công dân trong việc phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị người dân cần chủ động nâng cao hiểu biết về phòng, chống tham nhũng; chủ động thực hiện các quyền dân chủ cơ sở. Về phía cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến mọi người dân; có cơ chế tôn vinh, khen thưởng nhân rộng các điển hình phòng chống tham nhũng; bảo vệ những người dũng cảm đứng ra tố cáo các hành vi tham nhũng; từng bước xây dựng văn hoá chống tham nhũng trong xã hội; hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra trên tinh thần “dựa vào nhân dân”. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cần xây dựng các cơ chế tiếp nhận và xử lý tố cáo phù hợp và hiệu quả; động viên, tạo điều kiện để người dân giám sát các cơ quan công quyền; tạo điều kiện để cơ quan báo chí, phóng viên, đồng hành với người dân trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng...

 

Phúc Hằng

Không dựa vào dân, cuộc chiến chống tham nhũng khó thành công
Không dựa vào dân, cuộc chiến chống tham nhũng khó thành công

Chiều 5/5, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN