Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, qua hai lần tổ chức, Giải Diên Hồng đã tiếp tục khẳng định ý nghĩa, sức lan tỏa mạnh mẽ của giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND). Các tác phẩm tham dự và được trao Giải đã phản ánh toàn diện, sâu sắc thực tiễn hoạt động phong phú, hiệu quả của Quốc hội, HĐND, làm nổi bật vai trò, vị thế và những đóng góp của Quốc hội, HĐND các cấp vào thành tựu chung của đất nước.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, tại hội nghị, các chuyên gia, phóng viên, biên tập viên sẽ được chia sẻ, trao đổi về 5 nội dung liên quan đến nghiệp vụ viết các tác phẩm báo in, tổ chức chương trình truyền hình, phát thanh, cũng như kiến thức chuyên sâu về vị trí, vai trò, tổ chức, hoạt động của Quốc hội, HĐND trong hệ thống chính trị. Đây là những kiến thức hữu ích và thiết thực với mỗi nhà báo, phóng viên; tạo cơ hội cho các phóng viên theo dõi nghị trường nâng cao trình độ, có nhiều bài viết chuyên sâu về hoạt động của cơ quan dân cử để tham dự Giải Diên hồng lần thứ 3 năm 2025 và những lần tiếp theo.
Tổng Thư ký Quốc hội mong hội nghị lần này sẽ cung cấp nhiều kinh nghiệm hữu ích để Văn phòng Quốc hội tiếp tục tổ chức hiệu quả các buổi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về hoạt động của Quốc hội và HĐND trong thời gian tới.
Tại đây, các đại biểu nghe truyền đạt 5 chuyên đề: Kinh nghiệm viết báo chính luận; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Quốc hội; trình tự, thủ tục xem xét, thông qua trong xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; kinh nghiệm viết bút ký, ký sự, phóng sự, phóng sự điều tra và kinh nghiệm viết tin, bài về Quốc hội và HĐND; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân chia sẻ chuyên đề “Kinh nghiệm viết báo chính luận”. Trong đó, ông nhấn mạnh, về mặt lý thuyết, chính luận là thể loại xung kích của báo chí, được mệnh danh là “đại bác của báo chí”. Một bài chính luận phải xuất phát từ yêu cầu cuộc sống đặt ra những vấn đề thời sự, trọng tâm của đất nước, của dân tộc. Viết về Quốc hội, HĐND, cần nêu rõ tầm quan trọng của Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Bên cạnh bám sát vào các chức năng quan trọng của Quốc hội, thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các kỳ họp Quốc hội, cũng cần chú trọng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về hoạt động giám sát - một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội, HĐND. Đồng thời, khi viết về Quốc hội, không thể xa rời nhiệm vụ quan trọng là đấu tranh bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, chống quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có quan điểm sai trái, thù địch đối với hoạt động của cơ quan dân cử.
Còn TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ kinh nghiệm viết tin, bài về Quốc hội, HĐND. Trong đó nhấn mạnh, phóng viên cần 4 kỹ năng quan trọng: Kỹ năng thu thập thông tin, kỹ năng viết và trình bày, kỹ năng giao tiếp và ứng xử, kỹ năng công nghệ. Ngoài ra, một phóng viên nghị trường cần nhạy bén với các vấn đề chính trị và xã hội, có khả năng tư duy phản biện, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cao và có khả năng chịu áp lực cao, làm việc độc lập.